Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia - Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Kinh tế - đô thị
(HCM CityWeb) – Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND TPHCM có Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo các sở - ngành TP.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu ý kiến tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm; đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu
Kiến nghị thành lập tổ công tác đôn đốc, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho TPHCM
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết TPHCM là một trong những địa phương giải ngân thấp nhất. Tính đến ngày 23/9, TPHCM đã giải ngân được 10.877 tỉ đồng, chiếm 25% trên tổng số 37.997 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương chỉ giải ngân 91 tỉ đồng, chiếm 3,6%.
Năm 2022, Quốc hội và Thủ tướng giao vốn gần 52.000 tỉ đồng, sau này giao thêm và tăng lên 54.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, là địa phương cân đối ngân sách, với tỷ lệ điều tiết 21%, TP phải đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại mới chi đầu tư phát triển.
Năm 2022, HĐND TP cân đối nguồn thu, chỉ đảm bảo cân đối được 42.508 tỉ đồng. Trong số này, có 4.478 tỉ đồng là khoản bội chi ngân sách từ nguồn vay nước ngoài nhưng nhiệm vụ chi chưa rõ nên TP kiến nghị điều chỉnh giảm thêm khoản này, còn số chi thực tế là 37.997 tỉ đồng.
Về nguyên nhân, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết giải phóng mặt bằng là vấn đề khó, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân. TP tập trung nhiều giải pháp quyết liệt, nhiều dự án giao thông tồn tại cả chục năm đã được khởi động trở lại. TP cũng lập tổ công tác giải phóng mặt bằng để tập trung tháo gỡ khó khăn cho các địa bàn có khối lượng lớn và phức tạp như TP Thủ Đức và một số quận, huyện. Dự kiến đến tháng 10, TP cơ bản tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng đến 90% để phục vụ cho việc triển khai các dự án.
Các nguyên nhân khác là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy,… khiến nhà thầu thi công cầm chừng; thủ tục đầu tư các dự án ODA cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí vốn, ký kết hiệp định vay mất nhiều thời gian…
Thời gian tới, TP tập trung nâng cao trách nhiệm của từng chủ đầu tư dự án và kế hoạch giải ngân; lập các tổ công tác chuyên đề rà soát từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ;…
Tại hội nghị, TP kiến nghị Chính phủ thống nhất số liệu tổng kế hoạch năm 2022 là 37.997 tỉ đồng; Thủ tướng sớm quyết định thành lập tổ công tác đôn đốc, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho TPHCM liên quan đến đầu tư công và các nhiệm vụ khác.
Cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được; đồng thời phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công, yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và trên cơ sở đó, phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, địa phương mình nhanh và hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện. Các tổ công tác tiếp tục triển khai nhiệm vụ, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa động viên các đơn vị, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tránh thủ tục lòng vòng.
Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị các cấp cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, UBND các tỉnh, thành phố tham mưu HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, người dân tham gia.
Đặc biệt, nhân dân hết sức mong đợi việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia dành cho những người nghèo, người yếu thế, vùng dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, các địa phương cần phải cố gắng hơn nữa, các bộ, ngành, cơ quan phải tích cực vào cuộc hơn nữa, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị rà soát lại các quy định, chủ động sửa đổi, bổ sung và đề xuất các cấp có thẩm quyền theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Thủ tướng cũng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; tiếp tục rà soát lại các dự án, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương động viên các nhà thầu, doanh nghiệp chung tay, chung sức, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động. "Đất nước vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển, người dân ấm no, hạnh phúc thì doanh nghiệp cũng phát triển", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành chỉ thị để tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc công tác này.
Minh Thư
- HĐND TPHCM giám sát thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị (30/09)
- Khai mạc Diễn đàn Logistics TPHCM lần 1 - HCMC LOG 2022 (30/09)
- TPHCM và TP Daegu, Hàn Quốc giao lưu văn học nghệ thuật (29/09)
- Phải xem giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng và luôn nỗ lực hành động (27/09)
- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tiếp Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Busan (27/09)
- Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng tiếp Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba (26/09)
- Ông Trần Phi Long giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (26/09)
- Đoàn đại biểu TPHCM thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo vùng biển Tây Nam (24/09)
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Thành ủy TPHCM (23/09)
- Không được chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục nâng cao cảnh giác và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (23/09)