title 3 Chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên địa bàn TPHCM
Thứ sáu, 26/03/2021, 07:30 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) – “TPHCM sẵn sàng thông tin đến các doanh nghiệp Hàn Quốc về những kế hoạch, đề án trọng điểm trong thời gian sắp tới. Một trong những định hướng quan trọng là đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên địa bàn TP” là phát biểu tham luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức tại "Đối thoại giữa Lãnh đạo Thành Phố Hồ Chí Minh và Doanh nghiệp Hàn Quốc".

Toàn cảnh buổi Đối thoại 

 

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết năm 2021, TP ban hành Kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số, tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, tập trung vào hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, các nền tảng như nền tảng kết nối khác; Phát triển chính quyền số, và Phát triển kinh tế số.

 

Trong đó, phát triển kinh tế số được xem là nội dung quan trọng nhất, bao gồm 6 nhóm giải pháp chính. Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất tập trung thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp, bao gồm phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số hiệu quả; thúc đẩy các doanh nghiệp lớn phát triển nền tảng số, đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số từ đó kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển với sự hỗ trợ từ Chính quyền.

 

Nhóm giải pháp thứ hai là hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo của TPHCM, góp phần tạo ra các mô hình sản xuất chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất và năng suất lao động.

 

Nhóm giải pháp thứ ba là đẩy mạnh nghiên cứu với mục tiêu phát triển thành phố thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech Hub).

 

Nhóm giải pháp thứ tư là tập trung hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, tạo nên một thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh và cạnh tranh, góp phần đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia đứng đầu khu vực về thương mại điện tử.

 

hóm giải pháp thứ năm là tiến hành tập trung chuyển đổi số ở một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng.

 

Nhóm giải pháp thứ sáu là tăng cường hợp tác quốc tế.

 

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh, TP có nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, nền tảng của kinh tế số và coi đây là hướng phát triển kinh tế trong tương lai. TP đang tích cực thu hút đầu tư đẩy mạnh việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cho kinh tế số phát triển. Ngoài ra, TP cũng đang gấp rút tiến hành xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu của các Sở ngành, từ đó chọn lọc để chia sẻ dữ liệu phù hợp giúp doanh nghiệp tiếp cận và khai thác.

 

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức bày tỏ mong muốn nhận được sự hưởng ứng và tham gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển kinh tế số trong các nhóm giải pháp nêu trên. Trong đó có một số nội dung cụ thể gồm: Đầu tư sàn giao dịch thương mại điện tử; đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) và trung gian thanh toán để góp phần, phát triển TP thành Trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub); tham gia tích cực các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp khi Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP đi vào hoạt động; nghiên cứu, phát triển, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để phục vụ hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại TP; hợp tác Đại học Quốc gia TPHCM, các trường đại học tại TP để đặt hàng và phối hợp đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

 

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức khẳng định, TP cam kết phục vụ tận tình, chu đáo và sẽ nỗ lực để đảm bảo một trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và thân thiện cho tất cả các đối tác, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc.

 

ZUKI

Tin mới hơn
Tin đã đưa