title Văn hóa - Xã hội

Cần tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh cho sinh viên
Chủ nhật, 02/12/2018, 08:01 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) - Tại Hội thảo Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức ngày 1/12, nhiều đại biểu cho biết: Mục đích học tiếng Anh của phần lớn sinh viên trong các trường ĐH hiện nay là phục vụ các kỳ thi, mang tính chất đối phó chứ chưa thực sự ứng dụng vào thực tiễn công việc.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ 1

 

Theo các đại biểu, điểm yếu nhất hiện nay của quá trình giảng dạy tiếng Anh ở hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng chính là thiếu trầm trọng môi trường cọ xát. Đa phần học sinh, sinh viên vẫn phải học tiếng Anh, một loại ngoại ngữ quan trọng với giáo viên, giảng viên người Việt. Trong khi đó, môi trường lý tưởng nhất để rèn một ngoại ngữ chính là thường xuyên giao tiếp với người bản xứ. Bên cạnh đó, quy trình tổ chức thi cử, đánh giá tại các trường hiện nay vẫn đang hướng sinh viên vào việc chủ yếu học ngữ pháp, từ vựng khô khan, coi trọng kỹ năng đọc – viết mà xem nhẹ kỹ năng vô cùng cần thiết chính là nghe – nói. Do quen với nếp học tiếng Anh thụ động, đa phần sinh viên cảm thấy tự ti, thậm chí là sợ khi tiếp cận ngoại ngữ này ở bậc đại học.

 

Đại biểu trình bày tham luận của mình

Nhận thấy những bất cập trong công tác giảng dạy tiếng Anh hiện nay tại nhiều trường đại học, các đại biểu cho rằng muốn cải thiện tình hình phải có sự thay đổi toàn diện và thực chất từ giáo trình, cách dạy, cách tạo môi trường cho đến định hướng đầu ra cho sinh viên. Thay vì cứng nhắc với các kỳ thi hay yêu cầu bằng được một số chứng chỉ, các trường cần coi trọng việc đánh giá năng lực thực tế của sinh viên thể hiện thông qua mức độ lưu loát khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Ths Trần Tín Nghị, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đề xuất: “Vấn đề dạy và học tiếng Anh tại các trường ĐH, CĐ cần phải thay đổi. Chúng ta không hướng đến các chứng chỉ mà hướng đến cái cụ thể nhất đó là làm sao để SV có khả năng giao tiếp tốt khi ra trường. Tính lưu loát mà SV cần đạt được. Có thể SV không cần bằng cấp nhưng cần có môi trường tốt để học tập. Và trên cơ sở đó công tác đánh giá của các trường cần nhấn mạnh vào kỹ năng nghe - nói thay vì tập trung vào kỹ năng đọc - viết như hiện nay. Nếu làm được như vậy thì các trường sẽ xây dựng được môi trường học tiếng Anh tự nhiên nhất, người học cũng thấy đây là ngôn ngữ gần gũi tạo điều kiện tốt nhất để làm việc sau này”.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, các đơn vị đào tạo cần tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh hoặc môi trường song ngữ cho học viên trong giờ học và tại nơi đào tạo để học viên có thể vận dụng ngay kiến thức. Nhà trường, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi về ngoại ngữ, giao lưu giữa các đơn vị, các trường, các trung tâm trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho người dạy lẫn người học có môi trường trao đổi tốt ngoại ngữ.

Hội thảo đã đem lại một không khí sinh hoạt học thuật mới mẻ và đầy triển vọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh hiện nay trong khối các trường ĐH-CĐ.

 

Minh Dung

 

Tin mới hơn
Tin đã đưa