title Văn hóa - Xã hội

Cần xóa bỏ khoảng cách giới, tạo sự công bằng trong tuyển dụng
Thứ tư, 06/03/2019, 01:40 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) - Trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ Luật Lao động”, ngày 5/3, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức khảo sát và lấy ý kiến doanh nghiệp, người lao động khu vực phía Nam.

Lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Đại Dũng

 

Các nội dung khảo sát liên quan đến lao động nữ trong tuyển dụng và sử dụng lao động tại doanh nghiệp, bình đẳng giới trong trả tiền công, tăng tuổi nghỉ hưu…

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Quản lý khách hàng chiến lược của Tập đoàn Manpower Group, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều giới hạn mà phụ nữ Việt Nam đang gặp phải do định kiến và truyền thống, ví dụ như mức lương thấp hơn đồng nghiệp nam cho cùng một vị trí, một công việc, hay phụ nữ sống ở miền biển không được phép lên tàu hay trở thành thuyền trưởng.

Ông Nguyễn Xuân Sơn cũng chia sẻ, khi lên danh sách các câu hỏi về các vị trí tuyển dụng, đơn vị này luôn loại trừ các câu hỏi liên quan đến giới mà chỉ tập trung vào nội dung công việc và cũng hạn chế luôn các câu hỏi liên quan đến độ tuổi, vùng miền…

“Nếu khách hàng yêu cầu chỉ tuyển nam hoặc nữ, chúng tôi sẽ tư vấn ngược lại cho là nếu có sự phân biệt giới thì vô tình nhà tuyển dụng đã giảm 50% ứng viên tiềm năng. Chúng tôi luôn đề nghị khách hàng mở rộng nguồn tuyển dụng, tạo cơ hội việc làm cho tất cả mọi đối tượng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Là DN sử dụng lao động, ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, cũng cho rằng cần loại bỏ sự phân biệt giới tính trong các doanh nghiệp. “Chủ doanh nghiệp nên dựa vào nhu cầu, tính chất của công việc để sử dụng lao động phù hợp chứ không phải giới tính”.

Ông Nguyễn Xuân Sơn đề xuất, để xóa bỏ khoảng cách giới, tạo sự công bằng trong tuyển dụng, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt nhân tài, các lãnh đạo phải là người tiên phong trong việc tạo ra văn hóa bình đẳng, không phân biệt giới.

Tại buổi khảo sát, các chuyên gia cũng cho rằng, khi sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 cũng nên xem xét đến việc tuổi nghỉ hưu do người lao động lựa chọn dựa vào nhu cầu và khả năng của các bên, việc này cũng sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

Theo các đại biểu, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, khảo sát thực tế và tham khảo tiếng nói từ doanh nghiệp, người lao động về vấn đề này.

Bởi lẽ, tuổi nghỉ hưu không chỉ của riêng người lao động, mà ảnh hưởng tới doanh nghiệp, tới chính sách an sinh xã hội. Đối với các ngành nghề lao động nặng, độc hại hoặc bị giới hạn bởi sức khỏe người lao động có nhu cầu nghỉ hưu sớm. Đồng thời, nếu chọn phương án cho người lao động linh hoạt chọn nghỉ hưu trong khung tuổi mang lại thuận lợi cho người lao động nhưng cũng gây bất cập cho doanh nghiệp khi khó khăn trong thực hiện thỏa ước lao động, triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển dài hạn…

 

Minh Dung

Tin mới hơn
Tin đã đưa