Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 - Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN
Số kí hiệu | Không có |
Người ký | |
Ngày hiệu lực | |
Ngày hết hiệu lực | |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh |
Trích yếu | |
Nội dung | (SQHKT) – Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt tại Quyết định số 2471/QĐ-TTg. Theo đó, quan điểm chiến lược là phát triển sản xuất để tăng nhanh xuất khẩu, đồng thời đáp ứng nhu cầu trong nước; khai thác tốt lợi thế so sánh của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm và tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Đồng thời xây dựng, củng cố các đối tác hợp tác chiến lược để phát triển thị trường bền vững; kết hợp hài hòa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của quốc gia, lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị - đối ngoại, chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng xây dựng và phát triển hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược đó là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD, cán cân thương mại được cân bằng. Chiến lược đã đề ra 3 nhóm mục tiêu cụ thể, gồm: Một là, phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 - 12%/năm trong thời kỳ 2011 - 2020, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm. Duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021-2030. Hai là, phấn đấu tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hoá bình quân 10 – 11%/năm trong thời kỳ 2011 – 2020, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng bình quân dưới 11%/năm; giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân dưới 10%/năm. Ba là, phấn đấu giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020; thặng dư thương mại thời kỳ 2021 – 2030. Nhằm đạt được những mục tiêu nói trên, Chiến lược cũng đã vạch ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện như: phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển thị trường; chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận kho vận và đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động dịch vụ logistics; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; kiểm soát nhập khẩu; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của hiệp hội ngành hàng. Căn cứ mục tiêu, định hướng và các nhóm giải pháp của Chiến lược được phê duyệt tại Quyết định này, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược, đồng thời xác định cụ thể các nội dung nhiệm vụ của Bộ, ngành, cơ quan, thời hạn hoàn thành và nguồn lực thực hiện; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý I năm 2012.
|