title Kinh tế - đô thị

Giải pháp phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM
Thứ tư, 10/04/2019, 00:35 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) - Ngày 9/4, Hội Nông dân TPHCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức hội thảo "Hiện trạng và giải pháp phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM".

Theo báo cáo của Hội Nông dân TP, tính đến năm cuối 2018, giá trị sản xuất rau chiếm tỷ trọng 27,8% so với lĩnh vực trồng trọt. Tổng số diện tích trồng rau được ứng dụng công nghệ cao chiếm 37% tổng diện tích canh tác 1.301/3.517 ha, giá trị sản xuất có ứng dụng công nghệ cao đạt 1.102 tỷ đồng, chiếm 78% tổng giá trị sản xuất rau toàn TP. Diện tích canh tác rau trên địa bàn TP đã được chứng nhận VietGAP là 805/3.517 ha.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân TP về rau rất lớn; hiện sản lượng sản xuất rau tại TP chỉ đáp ứng 33,3% nhu cầu trên toàn địa bàn, đạt 482.537/1.448.620 tấn/năm. 

Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân TPHCM nhận thấy hiện tại sản phẩm nông nghiệp chưa cung cấp đủ cho thị trường TP; trong khi sản xuất và tiêu thụ tại TP có thuận lợi là chi phí vận chuyển cho việc bán sản phẩm thấp, thời gian vận chuyển ngắn giúp hạn chế chi phí bảo quản. Hội Nông dân TP đã chú trọng công tác xúc tiến thương mại thông qua việc đưa nông dân tham gia các hội chợ, triển lãm, hội hoa xuân..., giúp bà con nông dân có điều kiện quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng như giao lưu học hỏi kinh nghiệm, liên kết sản xuất. 

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng đang có những khó khăn.Mặc dù thành phố đang ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế sản phẩm rất lớn, nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cho việc canh tác ứng dụng công nghệ cao sẽ rất cao. Các nông hộ và tổ hợp tác chỉ liên kết với nhau về kỹ thuật, chưa liên kết về mặt buôn bán và chất lượng sản phẩm. Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng theo yêu cầu nhà phân phối; quy mô nhỏ lẻ rất khó để đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Bên cạnh đó, do chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, phương thức thanh toán chưa hợp lý gây khó cho người sản xuất.

Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng bộ phận thu mua nông sản Saigon Co.op cho biết Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu các hợp tác xã, hộ nông dân phải đảm bảo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có các sản phẩm đạt chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Sản phẩm nông thủy sản đưa vào kinh doanh tại hệ thống Saigon Co.op phải đảm bảo các tiêu chí: an toàn thực phẩm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng nitrat, kháng sinh, kim loại nặng, vi sinh vật… trong giới hạn mức cho phép, an toàn đối với sức khỏe con người.

Ông Nguyễn Nhật Trường cũng nêu việc hợp tác còn những hạn chế, khó khăn như: sản phẩm nông nghiệp thường bị ảnh hưởng yếu tố thời vụ, thời tiết, đặc biệt vào mùa mưa các hợp tác xã, doanh nghiệp không đủ sản lượng cung ứng; các hợp tác xã, doanh nghiệp còn chậm trong việc tiếp cận, tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu sản phẩm mới, sơ chế sản phẩm, đóng gói, các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ bán hàng.

Ông Tsan A Sìn, Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại Bình Điền cho biết, chợ đầu mối Bình Điền hoạt động với hình thức “mở” cho nên các nguồn hàng rất dễ tiếp cận thị trường khi thông qua các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Tuy nhiên, trong thực tế mặt hàng nông sản thực phẩm có xuất xứ từ TPHCM vào chợ Bình Điền vẫn còn rất thấp so với quy mô sản xuất, nuôi trồng của thành phố. Thị trường TPHCM là một thị trường tiêu thụ và có mạng lưới phân phối lại cho các tỉnh, thành khác trong cả nước và xuất khẩu, nên phải xác định đây là một thị trường khó tính, có sức cạnh tranh và yêu cầu cao về tiêu thụ. Giá cả - chất lượng – mẫu mã vẫn giữ vai trò tiên quyết trong việc đưa hàng vào chợ Bình Điền. 


Ông Tsan A Sìn khẳng định, nông sản đi vào các chợ đầu mối thật sự không quá khó. Vấn đề là sự minh bạch về thông tin trong sản xuất, chất lượng tốt, số lượng phải đảm bảo, nguồn cung ứng phải đầy đủ và ổn định. Do đó việc thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo mô hình liên kết chuỗi… cần được hộ nông dân, hợp tác xã và địa phương quan tâm.

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty quản lý kinh doanh chợ Bình Điền cam kết sẽ luôn hỗ trợ và đồng hành với các nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.

Hội Nông dân TP cho biết thời gian tới sẽ khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường các lớp tập huấn cho nông dân; tổ chức liên kết các nông hộ và tổ hợp tác trên lĩnh vực đầu ra sản phẩm. 

Sau hội thảo, ITPC và Hội Nông dân TP sẽ tổ chức liên tục 5 lớp tập huấn (100 người/lớp) về “Giải pháp phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp chủ lực” cho hội viên Hội Nông dân TP và các quận – huyện, nông dân sản xuất giỏi, hợp tác xã nông nghiệp, trang trại có quy mô lớn thuộc huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12, quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè.

  

Phúc Thịnh

Tin mới hơn
Tin đã đưa