Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử - Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử
3 Chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm
(HCM CityWeb) – Sáng 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM có Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến; lãnh đạo các sở - ngành TP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban, cho biết đây là công việc mới, việc khó, nên thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm là cần thiết.
Ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, trong đó, đã giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17, bước đầu đạt kết quả.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 17, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai nói chung cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, tổ chức bộ máy để thực hiện nói riêng.
Cùng với tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Thủ tướng đề nghị nêu các giải pháp bảo đảm sự thống nhất về cách làm, sự kết nối thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng Chính phủ điện tử. “Ai là người chịu trách kiểm soát vấn đề này”. An toàn cần đặt lên hàng đầu, “nếu không an toàn thì chưa làm”.
Về phương hướng những tháng cuối năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28 của Thủ tướng, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.... Tinh thần là quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử.
Sau phần phát biểu khai mạc của Thủ tướng, hội nghị đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban trình bày tóm tắt báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày những nội dung chính trong Nghị quyết số 17/NQ-CP; báo cáo tham luận của một số đơn vị.
TPHCM tiếp tục đẩy mạnh liên thông văn bản điện tử
Phát biểu tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, chương trình Cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 là một trong bảy chương trình đột phá của TP mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. TP đã tập trung triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt triển khai hệ thống liên thông văn bản điện tử là một nội dung trọng tâm.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến phát biểu
TP đã triển khai liên thông kết nối 760 đơn vị trên địa bàn TP, bao gồm các sở - ban - ngành, quận - huyện, phường - xã, thị trấn, các tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. Tính đến nay đã có hơn 4,4 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua Trục liên thông của TP.
Việc triển khai liên thông văn bản điện tử đã mang lại hiệu quả tích cực trong xử lý công việc của TP như: việc tiếp nhận và xử lý văn bản giữa các cơ quan nhà nước được nhanh chóng và thuận lợi hơn; tiết kiệm chi phí trong việc gởi văn bản qua bưu điện, giấy, mực…; việc theo dõi và giám sát việc xử lý thực hiện chỉ đạo của UBND TP được sát sao và có hệ thống hơn.
TP tiếp tục đẩy mạnh liên thông văn bản điện tử theo khung Kiến trúc Chính quyền điện tử của TP đã được ban hành, làm nền tảng cơ bản trong việc xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phục vụ Đô thị thông minh; bổ sung và hiệu chỉnh Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc qua mạng tại TPHCM theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ; phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ ứng dụng chữ ký số đối với việc gửi, nhận văn bản điện tử trên các thiết bị di động thông minh.
Thành phố mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành với Văn phòng Chính phủ trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng phục vụ cho việc xây dựng Chính quyền điện tử như: việc gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28; triển khai Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Minh Thư
- Thử nghiệm xử lý liên thông điện tử đối với hồ sơ thuộc 21 quy trình (26/07)
- Năm 2019: Phấn đấu đạt 80% trở lên mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính (25/07)
- Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thực hiện 2 nhóm giải pháp khắc phục hồ sơ đất đai trễ hẹn (24/07)
- Tổ chức phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” (24/07)
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết tâm triển khai Chính phủ điện tử (24/07)
- Giảm tối đa việc sử dụng giấy trong các cuộc họp (22/07)
- Chuyển đổi số: kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp (22/07)
- Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số (19/07)
- Tổ chức sơ kết thực hiện Đề án ủy quyền (19/07)
- Tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính (19/07)