title Văn hóa - Xã hội

Khai giảng khóa đào tạo giảng viên chương trình cấp cứu nhi khoa nâng cao tại Việt Nam
Thứ hai, 04/03/2019, 08:50 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) – Sáng 4/3, chương trình tập huấn cấp cứu nhi khoa nâng cao (Advanced Pedietric Life Supports – APLS) đã khai mạc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.

Các chuyên gia, đại biểu chụp hình lưu niệm

 

Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương – đơn vị đi đầu trong công tác triển khai kỹ thuật APLS tại Việt Nam, cho biết Chương trình tập huấn Cấp cứu nhi khoa nâng cao đã bắt đầu được xây dựng khoảng những năm 80 của thế kỷ trước và dần đưa vào giảng dạy ở các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc và hiện nay có hơn 70 nước đang giảng dạy APLS.

 

Tại Việt Nam, năm 2002, BV Nhi Trung ương đã bắt đầu giảng dạy chương trình này. Sau khi dự án kết thúc, Việt Nam đã có đội ngũ 60 giảng viên quốc gia và hơn 3.000 học viên hoàn tất khóa học. Tuy nhiên, từ đó chương trình cũng mai một do một số vấn đề. Mặc dù vậy, việc giảng dạy APLS vẫn được các BV lớn và một số trường đại học y dược duy trì, tuy chưa thể thống nhất trên phạm vi cả nước.

 

Giáo sư Tiến sĩ Lê Thanh Hải cho biết, BV Nhi Trung ương đã cố gắng duy trì APLS trong các chương trình thường quy và tại BV Nhi Đồng 1 vẫn duy trì một số bài học trong chương trình APLS, hoặc một chương trình tương tự là PALS có nguồn gốc từ Viện Hàn lâm Tim Mạch Hoa Kỳ. Nội dung hai chương trình về cơ bản là giống nhau, tuy nhiên APLS có lợi thế sẵn về đội ngũ giảng viên đã có tại Việt Nam, chương trình cô đọng và có cấu trúc tốt hơn, dễ áp dụng hơn cho toàn quốc. Chính vì vậy, BV Nhi Trung ương đã đệ trình lên Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế để tiếp tục mở rộng chương trình này.

 

Ông hy vọng Bộ Y tế sẽ sớm phê duyệt APLS như một môn giảng dạy bắt buộc tại các trường đại học y dược và các BV trên cả nước. Bởi APLS có tầm quan trọng lớn trong các năm qua giúp các bác sĩ thực hành, thao tác cứu chữa trẻ em tốt hơn, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em nhất là nguy cơ mất trẻ trong 24 giờ.

 

Chuyên gia APLS hướng dẫn phần học thực hành cho học viên.

 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1 cũng cho biết, Nhi Đồng 1 là BV tuyến cuối tại miền Nam, hàng năm tổ chức rất nhiều khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các bác sĩ và điều dưỡng tại miền Nam, trong đó riêng năm 2018 đã tổ chức 18 khóa với 300 bác sĩ và 400 điều dưỡng, và chuyển giao kỹ thuật cho hơn 500 bác sĩ ở các tỉnh, tổ chức các hội thảo trực tuyến với đa dạng chủ đề chăm sóc nhi khoa như hồi sức cấp cứu, HIV, tay chân miệng, sốt xuất huyết… cho hàng ngàn bác sĩ.

 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, APLS là chương trình rất quan trọng giúp nâng cao khả năng của các bác sĩ và điều dưỡng để cứu chữa trẻ em trong tình trạng hiểm nghèo. Một phần rất quan trọng của chương trình, cũng là chiến lược của BV Nhi Đồng 1 trong 30 năm qua, là đào tạo ra các giảng viên để đưa các kiến thức hiện đại về chăm sóc nhi khoa đến với đội ngũ bác sĩ của toàn miền Nam.

 

Trong chương trình tập huấn kéo dài từ ngày 4 đến 14/3/2019, 9 chuyên gia APLS hàng đầu tại Australia sẽ trực tiếp đào tạo 24 bác sĩ trở thành các giảng viên APLS tại Việt Nam. 24 giảng viên APLS mới sẽ trực tiếp truyền đạt các kỹ thuật này lại cho 48 bác sĩ nhi khoa khác để giúp phổ biến các kỹ thuật cấp cứu nhi khoa chuyên sâu đến hàng ngàn bác sĩ và điều dưỡng khu vực miền Trung và miền Nam.

 

Khóa học APLS là nội dung quan trọng trong chương trình Nâng cao năng lực cấp cứu nhi khoa do The VinaCapital Foudation (VCF) thực hiện từ năm 2009 đến nay với mục tiêu hỗ trợ chuyên môn và thiết bị cho cán bộ y tế tại Việt Nam để chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe người dân và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đến nay, các khóa học do VCF tài trợ đã giúp nâng cao kỹ năng cấp cứu hồi sức nhi khoa cho hơn 1.300 bác sĩ và điều dưỡng trên cả nước.

 

Minh Thư

Tin mới hơn
Tin đã đưa