Một số quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở - Một số quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN
Một số quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
Số kí hiệu | Không có |
Người ký | |
Ngày hiệu lực | |
Ngày hết hiệu lực | |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh |
Trích yếu | (SQHKT) – Vừa qua, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận). |
Nội dung |
Theo đó, Giấy chứng nhận được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo từng thửa đất. Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận chung cho các thửa đất đó. Thửa đất có nhiều người sử dụng đất, nhiều chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng người sử đụng dất, từng chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất. Giấy chứng nhận được cấp cho người đề nghị cấp giấy sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến cấp Giấy chứng nhận, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn hoặc được ghi nợ theo quy định của pháp luật. Trường hợp Nhà nước cho thuê đất thì Giấy chứng nhận được cấp sau khi người sử dụng đã ký hợp đồng thuê đất và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh). Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cộng đồng dân cư tại phường nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện (Văn phòng đăng ký sử dụng đất cấp huyện); tại xã, thị trấn thì nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc UBND xã, thị trấn. Cũng theo Nghị định này, Giấy chứng nhận gồm 05 nội dung chính, cụ thể như sau: Quốc hiệu, Quốc huy, tên của Giấy chứng nhận “cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”; người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; và những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận. Thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ không quá 50 ngày làm việc đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận lần đầu, không quá 30 ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà có bổ sung chứng nhận quyền sở hữu tài sản hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất, và không quá 20 ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi. Thời gian này không kể thời gian công khai kết quả thẩm tra, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian trích đo địa chính thửa đất. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2009. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì vẫn có giá trị pháp lý và được đổi miễn phí sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có yêu cầu. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đã nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhập thì cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ chuyển giao hồ sơ cho cơ quan tài nguyên và môi trường để thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Nghị định này. TH |
Tài liệu đính kèm
Không có tài liệu đính kèm