title Kinh tế - đô thị

Hội thảo về tổ chức chính quyền đô thị TPHCM
Thứ tư, 14/12/2022, 16:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) - Nhằm đưa ra những cơ chế, chính sách hướng đến phát huy nguồn nhân lực, động lực của một siêu đô thị tương xứng với sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của TPHCM, sáng ngày 14/12, trường Đại học Luật TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh”.

Đô thị TPHCM trong nhiều năm qua luôn được xác định là đô thị trung tâm về kinh tế, dịch vụ của cả nước, so với các đô thị trực thuộc trung ương khác.

TPHCM đã có những đóng góp vượt bậc không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị pháp lý. Tuy nhiên so với khả năng có thể làm nhiều hơn thì những đóng góp hiện tại của TPHCM về chính trị, kinh tế, xã hội vẫn còn chưa tương xứng với nguồn lực, động lực của một siêu đô thị, chưa kể dưới góc độ điều hành, chính quyền đô thị TPHCM đang gặp nhiều khó khan trong vận hành, quản trị đô thị, mà hệ quả theo đó là nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của cư dân đô thị.

Theo đó, một trong những nguyên nhân căn cơ của thực trạng này chính là vấn đề thể chế. Tổng thể chế đó, dù rất vượt bậc nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với nhu cầu quản lý, điều hành một đô thị lớn như TPHCM.

 

 

PGS. TS. Bùi Xuân Hải Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM khẳng định: Trong bối cảnh TPHCM đang đề xuất Trung ương Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù chính quyền đô thị với hàng loạt vấn đề đặt ra thì Hội thảo chính là diễn đàn để trao đổi bàn luận đánh giá, đúc kết những gì đã và đang có trong thể chế chính quyền đô thị TPHCM, từ đó mong muốn đồng hành cùng chính quyền đô thị TPHCM trong hành trình hoàn thiện cơ chế, chính sách về tổ chức và phát triển chính quyền đô thị TPHCM.

Hội thảo được diễn ra với một tinh thần nhìn nhận thẳng thắn, khách quan về ưu điểm và hạn chế của bộ máy vận hành của TPHCM hiện nay.

 

Toàn cảnh Hội thảo 

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những lý thuyết tiêu biểu, làm cơ sở kiến nghị cho những đổi mới về căn bản của TPHCM, trên tinh thần phù hợp với tình hình chung hiện nay và hướng tới mục tiêu xây dựng cơ chế quản lý thông thoáng cùng mô hình quản lý linh hoạt.

Cùng đó là các đề xuất sửa đổi và khắc phục từ những bất cập xoay quanh chế độ hoạt động của UBND đối với một đô thị đặc biệt như TPHCM. Các đại biểu đề xuất việc đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của UBND TPHCM theo hướng mô hình thị trưởng; nâng cao tính khoa học và hợp lý trong việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM, tham khảo học tập theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Nhận định về các đề xuất, điều chỉnh và ứng dụng trong thực tiễn cho bộ máy quản lý TPHCM từ các bài tham luận, ông Lê Minh Đức - Phó Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TPHCM đánh giá cao về mức độ cần thiết, nhưng bên cạnh đó cần có thời gian để thực hiện, tức là thí điểm có lộ trình. Và theo ông Đức trong quá trình thực hiện cần chú trọng và đặt yếu tố “con người” làm cốt lõi, chủ động và tích cực tăng cường sự tương tác giữa nhân dân và chính quyền.

Ông TS. Diệp Văn Sơn - Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ phía Nam đã đề cập đến khả năng vận hành đô thị của cán bộ, công chức và đánh giá quá trình đào tạo còn nhiều ngặt nghèo. Với tình hình đó, TS. Sơn kiến nghị rằng việc sát hạch công chức cần có sự chặt chẽ, quá trình đào tạo công chức cần bài bản hơn, đảm bảo chi phí tài trợ cũng như phúc lợi của cán bộ, công chức.

Trao đổi tại phần thảo luận chung, ông Hồ Thảo Hùng - Đại diện Hội Luật gia Quận 5 nhấn mạnh về vấn đề nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cần có sự hài hòa tập thể và trách nhiệm rõ ràng. Trong vấn đề xã hội hóa, ông Hùng cho rằng cần có tiêu chí, định khung cụ thể trong giai đoạn xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng ngân sách, sự phản biện mạnh mẽ là vô cùng cần thiết để tiến tới tự chủ ngân sách.

Đánh giá chung về Hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định các chuyên mục được chuẩn bị công phu; ý kiến đóng góp đa dạng, cung cấp nhiều cơ sở cho tình hình thực tiễn. Sau hai phiên tham luận tích cực, Hội thảo đã đi đến kết thúc với những kiến nghị có giá trị đóng góp vô cùng thiết thực, là nền tảng giúp TP.HCM có thêm định hướng phát triển xứng tầm với một siêu đô thị hàng đầu của Việt Nam.

Minh Dung

Tin mới hơn
Tin đã đưa