Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam - Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN
Số kí hiệu | Không có |
Người ký | |
Ngày hiệu lực | |
Ngày hết hiệu lực | |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh |
Trích yếu | (SQHKT) – Ngày 18/01/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 129/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam. |
Nội dung | Theo đó, tuyến đường bộ ven biển là tuyến đường đi sát biển nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Tuyến đường bộ ven biển được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường hiện có kết hợp với việc đầu tư xây dựng mới, kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông và phù hợp với các quy hoạch khác trong vùng, khu vực. Đây không phải là một trục dọc quốc gia, chưa liên tục tại các cửa sông lớn. Quy mô của tuyến đường bộ ven biển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đoạn và không nhất thiết phải đồng nhất trên toàn tuyến. Tuyến đường bộ ven biển có thể kết hợp với hệ thống đê biển và hệ thống đường phòng thủ ven biển nhằm tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực. Về hướng tuyến, tuyến đường bộ ven biển bắt đầu tại cảng Núi Đỏ, Mũi Ngọc thuộc địa phận xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tới cửa khẩu Hà Tiên, thuộc địa phận thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với chiều dài khoảng 3.041 km. Theo quy hoạch, các đoạn tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh tới Ninh Bình (vùng ven biển miền Bắc), từ Thanh Hoá đến Quảng Trị (vùng ven biển Bắc Trung Bộ), từ Thừa Thiên - Huế tới Bình Định (vùng trọng điểm miền Trung) có quy mô tối thiểu đường cấp III. Các đoạn tuyến từ Phú Yên tới Bình Thuận (vùng cực Nam Trung Bộ), từ Bà Rịa - Vũng Tàu tới TP HCM (vùng Đông Nam Bộ), từ Tiền Giang tới Kiên Giang (vùng Tây Nam Bộ) quy mô đường cấp IV. Về phân kỳ đầu tư, từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 892 km với số vốn dự kiến là 16.012,69 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2020 sẽ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 1.058 km với số vốn 12.119,62 tỷ đồng. Như vậy dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các đoạn tuyến đường bộ ven biển khoảng 28.132,21 tỷ đồng được huy động từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn khác. Ngoài ra, tổng quỹ đất cần bổ sung cho việc xây dựng tuyến đường bộ ven biển khoảng 5.889,78 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp ước tính khoảng 333,97 ha. Bộ Giao thông Vận tải chủ trì đầu tư các đoạn tuyến đi trùng với hệ thống quốc lộ; các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý và triển khai đầu tư các tuyến ven biển trên địa bàn. T.Thủy |