Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 - Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN
Số kí hiệu | Không có |
Người ký | |
Ngày hiệu lực | |
Ngày hết hiệu lực | |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh |
Trích yếu | (SQHKT) – Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 2190/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. |
Nội dung | Quan điểm của Quy hoạch này là tận dụng tối đa lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện hệ thống cảng biển, đột phá đi thẳng vào hiện đại, nhanh chóng hội nhập với các nước tiên tiến trong khu vực về lĩnh vực cảng biển nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, từng bước đưa kinh tế hàng hải trở thành mũi nhọn hàng đầu trong 5 lĩnh vực kinh tế biển, đồng thời góp phần củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước. Dự kiến lượng hàng thông qua toàn bộ hệ thống cảng biển tại thời điểm 2015 khoảng 500÷600 triệu T/năm; năm 2020 khoảng 900÷1.100 triệu T/năm và tăng lên đến 1.600÷2.100 triệu T/năm vào giai đoạn 2030. Tập trung xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa để tiếp nhận được tàu container sức chở 9.000-15.000 TEU hoặc lớn hơn. Theo vùng lãnh thổ, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 gồm 6 nhóm, cụ thể: nhóm 1 là nhóm cảng biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; nhóm 2 là nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; nhóm 3 là nhóm cảng biển Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; nhóm 4 là nhóm cảng biển Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận; nhóm 5 là nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (bao gồm cả Côn Đảo và trên sông Soài Rạp thuộc Long An, Tiền Giang), và nhóm 6 là nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm cảng Phú Quốc và các đảo Tây Nam). Ngoài ra, theo quy mô, chức năng nhiệm vụ, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân thành 3 loại: cảng tổng hợp quốc gia, cảng địa phương (có phạm vi hấp dẫn và chức năng phục vụ chủ yếu trong phạm vi địa phương) và cảng chuyên dùng (phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp tập trung, hàng qua cảng có tính đặc thù chuyên biệt như dầu thô, than, quặng). Được biết, tổng kinh phí đầu tư để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 ước tính khoảng 360÷440 nghìn tỷ đồng, trong đó cơ sở hạ tầng công cộng cảng biển khoảng 70÷100 nghìn tỷ đồng, cơ sở kết cấu hạ tầng cảng biển khoảng 290÷340 nghìn tỷ đồng. Quyết định cũng nêu rõ các giải pháp, chính sách chủ yếu trong quy hoạch hệ thống cảng biển, cụ thể là huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển cảng biển. Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cảng biển bằng các hình thức theo quy định của pháp luật; chú trọng áp dụng hình thức nhà nước - tư nhân (PPP) đối với các cảng, khu bến phát triển mới có quy mô lớn. Nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng kết nối với cảng biển (đê ngăn song chắn cát, trục giao thông nối với mạng quốc gia). Áp dụng cơ chế cho thuê cơ sở hạ tầng đối với các bến cảng đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư phát triển và kinh doanh khai thác cảng biển phù hợp với quá trình hội nhập và thông lệ quốc tế. H.Hải |