title QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài: Thống nhất quản lý đô thị theo quy hoạch
Thứ sáu, 01/04/2011, 16:15 CH
Cỡ chữ Màu chữ image
Số kí hiệu Không có
Người ký
Ngày hiệu lực
Ngày hết hiệu lực
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh
Trích yếu 3 trong số 6 chương trình đột phá của TPHCM được Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2011-2015, xác định là chống ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập nước. Điều này có nghĩa, xây dựng và phát triển đô thị bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới. TPHCM sẽ bắt đầu công tác này như thế nào trong năm 2011, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm: 2011-2015? Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi đầu Xuân Tân Mão với đồng chí Nguyễn Thành Tài (ảnh), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Nội dung

 

Chỉnh trang đô thị hiện hữu, dồn lực cho đô thị mới
* Phóng viên: Thưa đồng chí, mặc dù đã có nhiều đô thị mới ra đời và nhiều khu dân cư cũ đã được chỉnh trang nhưng nhìn chung đô thị TPHCM vẫn đang phát triển như vết dầu loang, tình trạng xây dựng nhà không phép, sai phép vẫn diễn biến phức tạp… TPHCM chấn chỉnh bất cập này như thế nào?
* Đồng chí NGUYỄN THÀNH TÀI: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây nhà không phép, sai phép, đưa đô thị đến tình trạng phát triển như vết dầu loang nhưng một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là thời gian vừa qua, việc phát triển nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp bao gồm cán bộ công nhân viên Nhà nước, người lao động trong các doanh nghiệp, người lao động tự do và công nhân, sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Đánh giá được tầm mức quan trọng của vấn đề, TPHCM đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đầu tư cho việc phát triển nhà ở phục vụ các đối tượng này.
Trước hết là khuyến khích và ủng hộ các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Hiện đã có 6 nhà đầu tư được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 734.305m² nhà ở với 8.760 căn hộ, phục vụ cho nhu cầu ở của khoảng 31.650 người. Bên cạnh chương trình nhà cho người thu nhập thấp, cách đây 5 năm, TPHCM đã triển khai chương trình xây dựng mới 32 triệu m² nhà ở.
Hiện nay thành phố đã xây dựng được 33,34 triệu m² nhà, vượt chỉ tiêu 4% so với kế hoạch. Chương trình nhà ở xã hội của thành phố cũng thu được nhiều kết quả tốt với 8.263 căn nhà, tương đương với 1.239.305m² sàn xây dựng, vượt kế hoạch 13%. Chương trình nhà lưu trú cho công nhân hiện đã đạt tổng diện tích xây dựng là 1.359.000m² vượt 36% so với kế hoạch, đáp ứng cho khoảng 433.000 chỗ ở.
Chương trình xây dựng KTX cho sinh viên tuy mới bắt đầu từ năm 2009 nhưng hiện nay đã khởi công xây dựng được 5 dự án với quy mô 612.000m² sàn xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho 67.000 sinh viên. Chương trình di dời 15.000 hộ dân sống trên, ven kênh rạch bắt đầu được triển khai từ năm 2006 và hiện đã di dời được 8.053 hộ, đạt 53,68%. Chương trình xây dựng 30.000 căn hộ tái định cư cũng đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tính từ năm 2006 đến nay đã xây dựng được khoảng 12.289 căn hộ và thực hiện được 7.506 nền đất.
Bên cạnh giải pháp này, một giải pháp khác không kém phần quan trọng, thậm chí còn phải coi là giải pháp đi đầu, giải pháp có tính cơ sở cho việc triển khai các giải pháp khác, đó là việc lập và phủ kín quy hoạch xây dựng đô thị. Thế nhưng, không phải là cách làm quy hoạch đô thị như hiện nay mà phải điều chỉnh lại theo hướng làm quy hoạch xây dựng cho cả vùng TPHCM với cái nhìn tổng quan, có sự kết nối với quy hoạch giao thông, sử dụng đất, giáo dục, y tế… có sự hỗ trợ và bổ sung thế mạnh cho nhau giữa các đô thị.
Tất nhiên, còn nhiều giải pháp khác phải thực hiện song song như tăng cường quản lý xây dựng, cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép xây dựng để người dân cũng như các tổ chức có điều kiện chấp hành tốt các quy định pháp luật về xây dựng…. Một mặt chăm lo chỗ ở cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, mặt khác đẩy mạnh công tác phát triển đô thị theo quy hoạch, quản lý xây dựng, nhất định tình trạng xây nhà sai phép, trái phép sẽ giảm và qua đó cũng sẽ hạn chế được tình trạng đô thị phát triển như vết dầu loang.

Năm 2010 thanh tra xây dựng phát hiện 5.078 trường hợp xây dựng sai phép, trái phép (giảm 17,32% số vụ so với năm 2009) và đã ra quyết định phạt với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng.
TPHCM đang nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý kiến trúc dọc đại lộ Đông Tây với mong muốn xây dựng khu vực này trở thành một trong những điểm nhấn về kiến trúc của TP
* Chủ trương phát triển các đô thị mới, các đô thị vệ tinh đã được khẳng định trong đồ án quy hoạch phát triển thành phố từ gần 20 năm trước đây. Thế nhưng, hiện nay trên thực tế người dân vẫn chưa thấy các đô thị này. Xin ông cho biết tại sao và bao giờ thành phố sẽ triển khai xây dựng?
* Việc phát triển các đô thị mới và các đô thị vệ tinh đang được thành phố tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện. Minh chứng sống động nhất là UBND TPHCM đã nỗ lực giải phóng được khoảng 90% diện tích đất để xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm. Song song đó, các chương trình nhà ở phục vụ tái định cư cho người dân Thủ Thiêm cũng được xúc tiến mạnh mẽ với 1.720 căn hộ chung cư và 720 nền đất đã hoàn thành.
Hiện có 185 nhà đầu tư đã đến xin đầu tư ở đô thị mới Thủ Thiêm và 5 nhà đầu tư đã được chấp thuận. Quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho đô thị mới này cũng vừa được UBND TPHCM phê duyệt. Đô thị cảng Hiệp Phước, đô thị Tây Bắc thành phố đang được triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/2000. UBND TPHCM đã chấp thuận cho Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC)-chủ đầu tư xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước nghiên cứu phát hành trái phiếu đồng thời với việc chủ động kêu gọi các nhà đầu tư vào Hiệp Phước.
Hiện nay, tại Hiệp Phước, Cảng Container quốc tế Sài Gòn (SPCT) đã đi vào hoạt động. Đây là một liên doanh giữa IPC và Tập đoàn Dubai World-một trong những tập đoàn cảng biển lớn của thế giới. Cùng với đó, cảng Sài Gòn-Hiệp Phước cũng đang hình thành. Những sự kiện này là tiền đề quan trọng cho việc hình thành nên đô thị cảng Hiệp Phước.
Cũng phải nói thêm điều này, trong năm 2011 thành phố sẽ triển khai nghiên cứu thêm một số giải pháp thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào việc phát triển các đô thị mới. Ví dụ, thành phố có thể đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện một số ưu đãi đặc biệt đối với các nhà đầu tư xây dựng đô thị mới hoặc cũng có thể tạo điều kiện cho thành phố đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật trước ở các đô thị này, nhằm từng bước dãn dân ra ngoài đồng thời tăng thêm sức hấp dẫn cho các đô thị trước các nhà đầu tư…
* Việc phát triển đô thị trong các khu dân cư hiện hữu sẽ theo hướng nào? Tạm ngưng hay vẫn tiếp tục chen thêm nhà cửa, đặc biệt là khu vực trung tâm, thưa đồng chí?
* Đối với đô thị cũ, cần chấp nhận những tồn tại hiện nay đồng thời với việc xây dựng lộ trình hợp lý để khắc phục những bất cập. Hiện nay TPHCM cũng đã bắt đầu công tác khắc phục những bất cập của đô thị hiện hữu bằng cách tiến hành chỉnh trang đô thị tại một số khu vực như ở Mả Lạng (quận 1) và một số khu phố dọc Đại lộ Đông-Tây… Ở quận 4 đã chỉnh trang xong nhiều khu phố ổ chuột dọc các tuyến đường Khánh Hội, Nguyễn Tất Thành.
Đặc biệt, TPHCM đang triển khai nhiều dự án chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, chống ngập cho 4 lưu vực lớn như dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Đôi-Tẻ… Nhiều khu dân cư lụp xụp trong các lưu vực này đã được chỉnh trang, sắp xếp lại, kênh, rạch được nạo vét… Bên cạnh đó, nhiều quy định về quản lý đô thị như Quyết định 135 về xây dựng nhà liên kế, Quyết định về Lộ giới hẻm…đã được ban hành nhằm từng bước chấn chỉnh công tác xây dựng ở các khu vực hiện hữu. Công tác bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị cũng đang được triển khai bằng việc thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu thực hiện bảo tồn.
Việc phát triển không gian ngầm nhằm chia tải cho không gian trên mặt đất của đô thị hiện hữu cũng đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện. Xây dựng thêm ở khu dân cư hiện hữu, đặc biệt là khu trung tâm sẽ được xem xét trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định liên quan khác.
Hiện nay tư vấn của Nhật đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/2000 khu trung tâm hiện hữu mở rộng của thành phố (bao gồm quận 1, 3, 4 và một phần quận Bình Thạnh) và dự kiến trình lãnh đạo thành phố xem xét trong quý 1/2011. Riêng quy hoạch chi tiết 1/2000 khu bờ Tây sông Sài Gòn-một phần của khu trung tâm hiện hữu mở rông đã được phê duyệt. Đây sẽ là những cơ sở có tính quyết định đến việc xây dựng như thế nào trong khu trung tâm thành phố.
Ùn tắc giao thông đã và đang trở thành vấn đề nan giải ở TPHCM
Chống ùn tắc giao thông bằng quản lý đô thị tốt
* Số lượng các phương tiện giao thông cá nhân đang tăng phi mã trong khi đó diện tích đường chưa tăng được tương xứng. TPHCM dự kiến giải bài toán kẹt xe trong các năm tới như thế nào? Xin đồng chí cho biết các giải pháp cụ thể, lộ trình thực hiện?
* Muốn giải quyết vấn đề kẹt xe phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Những giải pháp mang tính kỹ thuật như điều chỉnh luồng giao thông, xây dựng công trình giao thông mới, tuyên truyền giáo dục người dân chấp hành tốt Luật Giao thông, xử lý tình trạng chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán… UBND TPHCM đã giao cho từng sở, ngành chuyên môn thực hiện.

Năm 2011 hoạt động vận tải hành khách TPHCM phấn đấu đưa đón được 544 triệu lượt hành khách, tăng 2,83% so với năm 2010. Năm 2011 ngành giao thông phấn đấu xây dựng mới 2,5 triệu m² đường, giảm 5% số vụ, số người bị chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông.

Ở góc độ thành phố, ngoài nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở, tạo điều kiện cho các sở, ngành thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì công tác lớn nhất là phải tổ chức quản lý phát triển đô thị cho thật tốt. Từ việc cho xây dựng nhà cửa, trường học, bệnh viện đến các khu vui chơi giải trí, thương mại và ngay cả việc tăng dân số như thế nào, bao nhiêu… phải được tính toán thật kỹ trên cơ sở đảm bảo quỹ đất cho các công trình công cộng, đặc biệt là đất cho phát triển giao thông. Tôi đã chỉ đạo các quận, huyện khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000, điều kiện tiên quyết là phải cân đối được đất cho các công trình công cộng. Chỉ có đảm bảo đủ đất cho giao thông thì mới giải quyết được căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông. Tất nhiên, việc này rất khó đối với những quận nội thành cũ, nơi nhà cửa và các công trình xây dựng khác đã được xây dựng từ lâu.
Tuy nhiên, vẫn có thể cân đối yêu cầu này một cách linh hoạt như xây dựng các bãi đậu xe ngầm, các con đường trên cao… Việc tăng quỹ đất cho giao thông cũng có thể được thực hiện linh hoạt qua việc chỉnh trang đô thị. Các khu dân cư lụp xụp sẽ được xây dựng lại theo hướng tăng chiều cao, dành đất cho giao thông và các công trình công cộng khác.
Tất cả những việc này, UBND TPHCM đang triển khai thực hiện nhưng sắp tới lãnh đạo thành phố sẽ bàn và tìm giải pháp triển khai mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh việc dành đất cho giao thông, thành phố cũng sẽ tiếp tục cải cách tốt hơn nữa thủ tục đầu tư để thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình giao thông cho thành phố. Nhiều hình thức thu hút đầu tư như BT, BOT… hay mới nhất là hình thức hợp tác công tư cũng sẽ được thành phố phát huy. TPHCM sẽ làm việc thêm với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương lân cận để tăng cường đầu tư thêm cho hệ thống giao thông kết nối giữa thành phố và các địa phương. Việc này không những tạo điều kiện cho phát triển kinh tế vùng mà còn góp phần chống ùn tắc giao thông cho thành phố, đặc biệt là các cửa ngõ.
* TPHCM dự kiến tiếp tục phát triển vận tải hành khách công cộng như thế nào thực tế, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phải cắt đi hàng trăm chuyến xe buýt vì… không cạnh tranh được với xe cá nhân?
* TPHCM luôn kiên trì chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng như là một trong những giải pháp quan trọng chống ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, đã nhiều lần TPHCM mạnh mẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cho phép TPHCM thực hiện chủ trương hạn chế dần việc sử dụng xe cá nhân và hỗ trợ cho phát triển vận tải hành khách công cộng. Hồi đầu năm 2010 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chấp thuận đề xuất này của thành phố và thành phố đang giao cho các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp. Đầu năm 2011, Chính phủ cũng đã chấp thuận kiến nghị của UBND TPHCM cho phép Công ty Xe khách TPHCM được ưu đãi trong quá trình đầu tư phát triển 21 xe buýt chạy bằng khí CNG…
Bên cạnh xe buýt, thành phố cũng đang triển khai nghiên cứu và đầu tư thêm nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng khác như metro, monorail, BRT. Hiện nay 2 trong số 6 tuyến metro của thành phố đã có nhà đầu tư. 4 tuyến còn lại cũng đang trong quá trình thương thảo với nhà đầu tư. Một tuyến xe điện mặt đất chạy trên Đại lộ Đông - Tây đang trong quá trình lập dự án.
Khoảng đầu tháng 12-2010, một đoàn cán bộ của TPHCM đã đi thăm và học tập kinh nghiệm phát triển BRT (một loại hình vận tải công cộng khối lượng vừa, vận hành trên đường dành riêng, gồm nhiều toa giống như xe lửa) của một số thành phố ở Nam Mỹ đã từng có xuất phát điểm về giao thông giống TPHCM. Trên cơ sở ấy, Sở Giao thông Vận tải với sự hợp tác của Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đang triển khai nghiên cứu áp dụng tại TPHCM.
Không để tình trạng tái ngập, tái ô nhiễm
 
Ngập do triều cường, hình ảnh quen thuộc ở nhiều khu vực ở TP
* Thưa đồng chí, tình trạng ngập nước trên địa bàn TPHCM ngày càng nặng nề bất chấp những nỗ lực chống ngập của các sở, ngành chức năng. TPHCM có giải pháp đột phá gì để phá vỡ “thế lòng vòng” này?
* Các dự án chống ngập mà TPHCM đã và đang thực hiện cơ bản đều phát huy hiệu quả tốt. Các dự án cải thiện môi trường, chống ngập cho các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… tuy chưa hoàn thành toàn bộ nhưng với các hạng mục hoàn tất, đã giúp giảm khoảng 20% các điểm ngập cho khu vực trung tâm thành phố. Hay như các dự án kiểm soát triều ở Bình Thạnh, quận 6, quận 8… đều đã phát huy hiệu quả. Vấn đề là bên cạnh nhiều điểm được xóa ngập thì lại xuất hiện nhiều điểm ngập mới làm cho công tác chống ngập không thu được kết quả như mong muốn.
Một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng ngập “lòng vòng” hiện nay ở TPHCM là tiếp tục thực hiện nhanh, có chất lượng các dự án cải thiện môi trường, chống ngập cho các lưu vực thuộc khu trung tâm thành phố. Khi các dự án này hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết ngập do mưa và triều ở khu vực này, ước rộng khoảng 106 km² với khoảng 3,3 triệu người.
Song song đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, khống chế tình trạng phát sinh thêm các điểm ngập mới. Đó là chống các hành vi xâm hại đến hệ thống thoát nước, hệ thống sông, kênh rạch. Việc phát triển đô thị mới cũng như chỉnh trang đô thị cũ cũng phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về thoát nước như xây dựng phải có cốt nền xây dựng phù hợp, hệ thống thoát nước đầy đủ, kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chung của khu vực.
Đặc biệt, UBND TPHCM đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND các quận, huyện khi lập quy hoạch phải bố trí các hồ điều tiết, kiểm tra, giám sát, xác định những vùng đất trũng, các địa điểm có thể xây dựng hồ điều tiết nhằm giải quyết yêu cầu vừa trữ nước chống ngập, vừa tạo cảnh quan môi trường.
Trong các khu dân cư mới nếu cần thiết phải san lấp một phần kênh, rạch, chủ đầu tư phải có ý kiến chấp thuận của ngành chức năng và phải xây dựng lại hệ thống thoát nước tương ứng đồng thời với việc xây dựng thêm một hồ điều tiết nước với diện tích gấp 1,2 lần diện tích kênh, rạch đã san lấp.
Sắp tới đây, việc hình thành các khu dân cư mới cũng sẽ được xem xét một cách bao quát hơn trên cơ sở sự hình thành của khu dân cư này không “bịt” mất hướng thoát nước của khu vực khác. Nếu cần thiết phải xây dựng thì trong quy hoạch của khu dân cư phải tính toán đến hướng thoát nước chung cho cả khu vực.
* Cũng giống như chống ngập, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường nhưng nhìn chung môi trường của TPHCM vẫn ô nhiễm. TPHCM có giải pháp căn cơ nào để giải quyết vấn đề trên?
* Trong việc bảo vệ môi trường, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả như đảm bảo 100% lượng rác thải sinh hoạt của thành phố được xử lý an toàn ở hai khu xử lý rác lớn: Đa Phước và Phước Hiệp; nhiều cơ sở gây ô nhiễm của thành phố đã được xử lý và di dời ra khỏi khu dân cư… Tuy nhiên, đúng là vẫn còn rất nhiều công việc phải làm nữa để giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Trước hết là phải đầu tư các thêm khu xử lý rác công nghiệp cũng như các khu xử lý rác thải nguy hại khác. Đây là việc làm hết sức cần thiết không những cho TPHCM mà còn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện nay, đã có một khu xử lý rác như thế đang được xây dựng ở Long An - một dự án mà TPHCM đã có những đóng góp về mặt tài chính rất lớn cho công tác giải phóng mặt bằng. Nước thải y tế, một thời là nỗi lo lớn của người dân thành phố, nay từng bước được xử lý nghiêm túc trước khi thải ra môi trường.
Hiện đã có 113 bệnh viện, cơ sở y tế xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế hợp chuẩn, đạt 60% so với kế hoạch. Trong năm nay, các bệnh viên, cơ sở y tế nào chưa xây dựng sẽ phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. 100% khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố đã có hệ thống xử lý chất thải…
Vấn đề đáng lo ngại hiện nay nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông gây ra. để giải quyết vấn đề này, TPHCM đang tiến hành thực hiện lồng ghép cùng với chương trình hạn chế xe cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng. 21 chiếc xe buýt chạy bằng khí CNG đang chuẩn bị hoạt động là bước đầu tiên của kế hoạch này. TPHCM sẽ khuyến khích thêm các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng sử dụng loại xe buýt thân thiện với môi trường như vậy.
Chương trình di dời cơ sở gây ô nhiễm ra ngoài cơ bản đã hoàn thành. Hiện còn 7 cơ sở thuộc sự quản lý của các bộ, ngành chưa di dời và TPHCM đang phối hợp với các cơ quan này nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời của 7 cơ sở. Tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra, nhiều sông, kênh rạch thường xuyên… đầy rác nhưng thành phố đang tiến hành chương trình vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị như là một giải pháp xóa bỏ thói quen xấu này. 
Bình quân mỗi người dân sử dụng 119 lít nước sạch/ngày
TPHCM đang hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước TPHCM đến 2025 và đẩy nhanh các dự án phát triển mạng cấp nước và dự án chống thất thoát nước. Hiện tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch là khoảng 84,74% với mức sử dụng trung bình mỗi người 119 lít nước/ngày. Ngành cấp nước đang tiến hành gắn mới 61.000 đồng hồ nước, phát triển bổ sung trên 346km mạng cấp nước 1,2,3 và cải tạo trên 71km đường ống cấp nước các loại.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài
(Theo Saigongiaiphong)
 
 
 

 

Tài liệu đính kèm
Không có tài liệu đính kèm