title QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

Quản lý chất lượng công trình cần những giải pháp đồng bộ
Thứ sáu, 05/06/2009, 06:50 SA
Cỡ chữ Màu chữ image
Số kí hiệu Không có
Người ký
Ngày hiệu lực
Ngày hết hiệu lực
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh
Trích yếu “Chất lượng công trình, nhìn xa ra là vấn đề cạnh tranh quốc gia. Chúng ta phải hội nhập, phải nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có vấn đề đầu tư xây dựng… ” – Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong Hội thảo “Thực trạng và giải pháp tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng”, do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 28/4, tại Hà Nội.
Nội dung

Vẫn còn những hạt sạn

Theo TS Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng, nước ta bình quân hàng năm có trên 6000 dự án đầu tư xây dựng công trình được triển khai (trong đó dự án nhóm A khoảng 5%, nhóm B hơn 20%, nhóm C hơn 75%), với quy mô đa dạng, từ nhà ở riêng lẻ đến bệnh viện, trường học, cầu cảng, khu đô thị khu công nghiệp, thủy điện… Qua con số thống kê 5 năm trở lại đây cho thấy, có trên 90% công trình đạt chất lượng khá trở lên, các công trình sự cố chiếm tỷ lệ thấp chỉ từ 0,28 % đến 0,56%.

Các chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Đoàn Thanh

“Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất cập thể hiện qua các sự cố, hư hỏng công trình cũng như những khoảng trống về pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” – Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình cho biết.

Trong những năm gần đây, một số sự cố lớn về chất lượng công trình đã xảy ra như: Sự cố sập cầu Cần Thơ, sạt mỏ đá thuỷ điện Bản Vẽ, vỡ đập chính hồ chứa nước Cửa Đạt, nứt bê tông các đốt hầm dìm Thủ Thiêm…Sự suy giảm chất lượng một số công trình nhà tái định cư, sụt trượt trên 1 số quốc lộ… đã gây không ít băn khoăn cho dư luận.

Cần xem xét một cách toàn diện

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của ngành Xây dựng thời gian qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra:  Công tác đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, yếu kém, trong đó công tác quản lý chất lượng công trình.

Phó Thủ tướng phân tích: Công tác quản lý chất lượng công trình liên quan đến nhiều lĩnh vực, bắt đầu từ công tác quy hoạch, thăm dò khảo sát, thiết kế, quản lý thi công, nghiệm thu…Trước hết, chúng ta cần xem lại thể chế. Chúng ta đã có quá nhiều văn bản và văn bản thay đổi quá nhanh. Chế tài cũng còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ, nếu vẫn còn tư duy theo kiểu anh – em thì sẽ không bao giờ quản lý được chất lượng công trình.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, nguyên nhân dẫn đến sự cố công trình có nguyên nhân chủ quan và khách quan. 3 chủ thể trong hoạt động xây dựng (chủ đầu tư, thiết kế và thi công xây dựng công trình) đều có thể tác động, hoặc có những thiếu xót làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng. Cũng theo Bộ trưởng, văn bản pháp quy của Nhà nước chưa đủ, chế tài  chưa rõ, chưa đủ mạnh, công tác quản lý chất lượng của Nhà nước có thể đang còn kẽ hở.

Một nguyên nhân nữa liên quan tới đấu thầu đã được Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Văn Hiệp đề cập. “Hầu hết các dự án vốn không cao được chỉ định thầu và chỉ nhà thầu quen biết, thậm chí là “sân sau” của chủ đầu tư mới được nhận công trình, dẫn tới tiến độ trễ không dám phạt, không dám huỷ hợp đồng, chất lượng có kém cũng phải bảo vệ cho nhau. Công trình chất lượng trung bình, kém vẫn tìm cách để nghiệm thu nên sớm xuống cấp”- ông Hiệp khẳng định.

Ông Hiệp dẫn chứng, ngay cả những hợp đồng thực hiện quy hoạch chi tiết 1/2000 cũng không ngoại lệ. Tư vấn quy hoạch được chỉ định thầu, đang bị lợi dụng để giao việc tập trung cho vài tổ chức, cá nhân “khuất” nên chất lượng không cao, tiến độ quá chậm.

Giải pháp nào?

Tại Hội thảo, các giải pháp đồng bộ, từ cụ thể đến khái quát đã được các nhà quản lý, các nhà khoa học đề suất. Theo TS Lê Quang Hùng, có 3 nhóm giải pháp cơ bản để kiểm soát, nâng cao chất lượng công trình là: cần tăng cường chất lượng khảo sát thiết kế thi công; các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường vai trò kiểm soát, kiểm tra và cần tăng cường tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Chất lượng công trình cần ngày càng được hoàn thiện.
Ảnh: Đoàn Thanh

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiến nghị: chúng ta cần rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình; nghiên cứu ban hành các chính sách liên quan như: khuyến khích các DN tổ chức thực hiện và được cấp chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO  9001 – 2000, tăng kinh phí đào tạo cán bộ, công nhân, tăng cường cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp; khuyến khích áp dụng công nghệ, vật liệu mới nhằm nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình; phát huy vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp…

“Phải chuyên nghiệp hoá các BQL dự án. Nhà nước là cơ quan quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra nhưng hiện nay Thanh tra xây dựng mới chỉ có 2 cấp (trừ Hà Nội và TPHCM). Đề nghị chúng ta cần nghiên cứu và bổ sung trong Luật Thanh tra. Vật liệu xây dựng là một trong yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Tính thống nhất giữa VLXD và chất lượng công trình như thế nào hiện nay chúng ta còn buông lỏng. Việc quản lý chất lượng phải gắn với quản lý vật liệu xây dựng” - ông Hà Văn Lê, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An đề suất.

(Theo Báo Xây dựng điện tử)

 

Tài liệu đính kèm
Không có tài liệu đính kèm