title QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

Quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm - Kết nối bằng cầu đi bộ với trung tâm hiện hữu
Thứ sáu, 16/09/2011, 00:20 SA
Cỡ chữ Màu chữ image
Số kí hiệu Không có
Người ký
Ngày hiệu lực
Ngày hết hiệu lực
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh
Trích yếu
Nội dung

Ông Trang Bảo Sơn, Phó ban Quản lý Dự án xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết, theo quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm, quảng trường trung tâm sẽ là một không gian sinh hoạt cộng đồng lớn của cư dân đô thị. Nơi này, ngoài các không gian ngoài trời rộng, thoáng sẽ có thêm một số công trình mà ở đô thị cũ không thể triển khai đầy đủ do thiếu quỹ đất như các viện bảo tàng, các thư viện….

Cũng giống như khu phố đi bộ của trung tâm hiện hữu mở rộng, quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được tổ chức với nhiều tiện ích dành cho người đi bộ và nơi đây đi bộ sẽ là chủ yếu. Các phương tiện cơ giới chủ yếu là các phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm sẽ kết nối (theo đường đi bộ) với trung tâm hiện hữu mở rộng bằng cây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn. Ý tưởng về cây cầu này đã được hình thành ngay trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, để làm rõ hơn tính hiện đại và tính dân tộc trong thiết kế cây cầu, UBND TPHCM đã yêu cầu tách ra làm một dự án riêng.

Theo ông Trang Bảo Sơn, Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm đã gặp và làm việc với tư vấn lập thiết kế cây cầu và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Dự kiến đến cuối tháng 8-2011 tư vấn sẽ chỉnh sửa hoàn chỉnh lại thiết kế theo yêu cầu mới. Ông Trang Bảo Sơn cho biết, khác với sông Hồng ở Hà Nội, dòng chảy khá xiết, sông Sài Gòn có mực nước triều vừa phải, dòng chảy hiền hòa hơn nên việc xây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn là khả thi. Về cơ bản, cây cầu sẽ dài 350m, tĩnh không 10m, khoảng không thông thuyền là 80m, đảm bảo cho tàu du lịch có thể lưu thông dễ dàng. Cầu sẽ có thang cuốn cho người già và trẻ em đi và được tính toán chịu lực trong tình huống có nhiều người tụ tập trên cầu. Ngoài ra, cầu cũng được thiết kế cho những tình huống cứu thương, cứu hỏa, giải tán đám đông… một cách an toàn.

Ông Ly Khánh Tâm Thảo, Phó phòng Quản lý khu trung tâm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc cung cấp thêm thông tin, sông Sài Gòn là một phần quan trọng của trung tâm thành phố. Do vậy, đưa thiết kế này vào nghiên cứu trong việc hình thành nên khu phố đi bộ ở trung tâm là cần thiết. Đó là một trong những lý do lớn nhất mà lãnh đạo thành phố yêu cầu tách dự án này ra nghiên cứu riêng cho phù hợp với thiết kế vừa hiện đại vừa mang tính dân tộc của khu phố đi bộ. Ông Ly Khánh Tâm Thảo cũng cho biết, đây là một trong những định hướng phát triển trong tương lai của thành phố. Triển khai thực hiện ý tưởng này như thế nào còn dựa vào nhiều yếu tố: khả năng tài chính của thành phố, yêu cầu cấp bách của xã hội…. Hơn nữa, xây dựng những không gian đi bộ là xu hướng phát triển bền vững của nhiều đô thị trên thế giới. Người dân đi bộ sẽ mạnh khỏe hơn, ít phương tiện cơ giới cá nhân, môi trường của thành phố sẽ trong lành hơn. Cây cầu đi bộ nối hai khu phố đi bộ lớn của thành phố sẽ là điều kiện quan trọng để gắn kết và phát triển hai khu phố này.

(Theo SGGP)

 

Tài liệu đính kèm
Không có tài liệu đính kèm