title QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
Chủ nhật, 21/08/2011, 13:45 CH
Cỡ chữ Màu chữ image
Số kí hiệu Không có
Người ký
Ngày hiệu lực
Ngày hết hiệu lực
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh
Trích yếu
Nội dung

(SQHKT) – UBND thành phố đã có Quyết định số 47/2011/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Quy chế được áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khác thực hiện các công việc liên quan đến quản lý và hoạt động của cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Quy chế quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của UBND TP (gọi chung là sở, ngành) và UBND các quận - huyện để thực hiện quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Quy chế cũng quy định các nguyên tắc, phương pháp và hình thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp.

Về nguyên tắc phối hợp

Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Việc phối hợp quản lý nhà nước dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện, các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp

Về phương pháp và hình thức phối hợp

Quá trình thực hiện sẽ do một cơ quan chủ trì và một hoặc nhiều cơ quan khác tham gia phối hợp giải quyết công việc. Tùy theo tính chất công việc mà cơ quan chủ trì đưa ra các hình thức giải quyết như sau:

+ Tổ chức làm việc tập trung thông qua các cuộc họp trực tiếp để các bên tham gia thảo luận, ghi nhận kết quả làm việc bằng biên bản hoặc thông báo kết luận làm việc.

+ Cơ quan chủ trì gửi hồ sơ, tài liệu liên quan để cơ quan phối hợp nghiên cứu có ý kiến. Các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu (trừ khi có quy định khác). Nếu quá thời hạn trên, cơ quan được hỏi ý kiến không có văn bản trả lời được xem như đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về nội dung công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao.

+ Cơ quan chủ trì có thể phối hợp cả hai hình thức giải quyết trên đây để đạt hiệu qua cao nhất trong công việc.

Những nội dung công việc do các sở, ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện chủ trì tùy theo yêu cầu, tính chất công việc thì cơ quan chủ trì xác định thêm thành phần các cơ quan tham gia phối hợp để giải quyết công việc nhanh và hiệu quả.

Những văn bản, hướng dẫn, xử lý, kết luận, kiến nghị... liên quan đến đơn vị kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp thì cơ quan chủ trì gửi cho Sở Công Thương 01 (một) bản để biết và phối hợp theo dõi thực hiện.

Các công tác phối hợp thực hiện

- Lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn

- Lựa chọn đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp

- Thành lập, mở rộng và bổ sung cụm công nghiệp

- Quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp

- Lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp

- Cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư hạ tầng

- Lập thủ tục giao đất hoặc thuê đất

- Lập phương án và tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng

- Tiếp nhận doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vào cụm công nghiệp

- Quản lý về đầu tư và tài chính

- Quản lý sử dụng đất đai

- Quản lý quy hoạch và xây dựng

- Quản lý công nghệ và môi trường

- Quản lý lao động

- Quản lý an ninh và trật tự an toàn xã hội

Sở Công Thương là cơ quan đầu mối giúp UBND TP thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp theo quy định của Quy chế này.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 22/7/2011 và thay thế Quyết định số 104/2007/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2007 của UBND TP.

 

Tài liệu đính kèm
Không có tài liệu đính kèm