title 3 Chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thực hiện 2 nhóm giải pháp khắc phục hồ sơ đất đai trễ hẹn
Thứ tư, 24/07/2019, 09:00 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) – Để giải quyết tình trạng hồ sơ trễ hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tập trung thực hiện 2 nhóm giải pháp: Phân cấp cho Sở TN-MT ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận – huyện được ký giấy chứng nhận theo quy định; triển khai đồng bộ mô hình liên thông thuế điện tử giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế; ứng dụng tác nghiệp, chia sẻ cơ sở dữ liệu trên phần mềm HCM.Lis.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố đã tiếp nhận trên 379.000 hồ sơ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, tổng số hồ sơ đã giải quyết là trên 342.000 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 90,2%; tổng số giải quyết đúng hạn chiếm tỷ lệ 90%; tổng số trễ hạn là 34.231 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 10%.

Qua phân tích nguyên nhân 10% số hồ sơ trễ hạn cho thấy phần lớn thuộc trường hợp hồ sơ ký mới giấy chứng nhận phải chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố (chiếm khoảng trên 60%, khoảng 20.000 hồ sơ).

Để giải quyết tình trạng hồ sơ trễ hạn này, ông Thắng cho biết Sở TN-MT tập trung thực hiện 2 nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất là phân cấp cho Sở TN-MT ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận - huyện được ký giấy chứng nhận theo quy định.

Hiện nay, Sở TN-MT đã tiếp thu ý kiến của Sở Tư pháp để trình UBND TP thực hiện ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận – huyện thực hiện ký hồ sơ của 17 thủ tục thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT (giai đoạn 1, Sở đã ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố ký), với việc ủy quyền này sẽ giúp giải quyết được hồ sơ trễ hạn của khoảng 40.000 hồ sơ mỗi năm như hiện nay.

Theo ông Thắng, việc thực hiện nhóm giải pháp này góp phần rút ngắn thời gian giải quyết khoảng 10 ngày, giảm áp lực hồ sơ chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố; tiết kiệm chi phí vận chuyển hồ sơ (ước tính khoảng 2 tỷ đồng/năm); đảm bảo tỷ lệ 60% hồ sơ giải quyết trễ hạn được giải quyết đúng hạn và nâng cao sự hài lòng của người dân.

 

Nhóm giải pháp thứ hai là triển khai đồng bộ mô hình liên thông thuế điện tử giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế; ứng dụng tác nghiệp, chia sẻ cơ sở dữ liệu trên phần mềm HCM.Lis.

Mô hình liên thông thuế điện tử đã triển khai thành công tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 12, đã mở rộng thêm Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 1. Theo kế hoạch, trong tháng 9/2019 dự kiến tiếp tục đối với các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Tân và huyện Bình Chánh; tiến tới đồng bộ cho tất cả hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố trong năm 2020.

Việc triển khai mô hình này giúp giảm thời gian, chi phí đi lại, người dân chỉ liên hệ nộp, thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả. Đối với cơ quan phối hợp thực hiện, mô hình này giúp rút ngắn quy trình từ 9 bước xuống còn 2 bước và trả kết quả cho người dân; giảm thời gian luân chuyển (trước đây thời gian không xác định cụ thể ở mỗi đơn vị, nay được khép kín trong quy trình giải quyết hồ sơ không quá 5 ngày); giảm nhân sự thực hiện hồ sơ giấy (trước đây 3 lãnh đạo và 12 cán bộ thực hiện, khi thực hiện liên thông chỉ còn 1 lãnh đạo và 1 cán bộ thụ lý; cán bộ thụ lý hạn chế tiếp xúc dân, yêu cầu bổ sung); thông tin chính xác, tiết kiệm chi phí, đảm bảo tính công khai, minh bạch,...

Phần mềm HCM.Lis đã được triển khai thí điểm tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 1 và Quận 12, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng cơ sơ dữ liệu địa chính, chia sẻ thông tin đất đai cho các ngành có liên quan; khắc phục được những hạn chế và kế thừa phần mềm VILis trước đây, phù hợp với cấu trúc dữ liệu theo quy định của Bộ TN-MT,... ứng dụng, khai thác các tiện ích cho người quản lý và người sử dụng.

Minh Thư

Tin mới hơn
Tin đã đưa