title Hoạt động của Lãnh đạo Thành phố.

Thủ tướng kêu gọi toàn dân, cùng toàn thể hệ thống chính trị chung sức đồng lòng chống dịch
Thứ bảy, 29/05/2021, 16:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) – Sáng 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trước những diễn biến mới đòi hỏi giải pháp tích cực hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Từ trái qua: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham dự cuộc họp

Tham dự tại điểm cầu TPHCM có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành TP.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình mới, diễn biến mới phức tạp hơn của dịch bệnh đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn thì mới có thể kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, theo tinh thần chung là “chống dịch như chống giặc”, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn.

Thủ tướng yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC TPHCM

TPHCM tiếp tục giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh

Phát biểu từ điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin, đến nay, có 314 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM. Trong đó, 112 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 202 trường hợp nhập cảnh; có 261 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 83,12%, hiện đang điều trị 75 bệnh nhân.

TP hiện phát hiện 4 ổ dịch mới. Các ổ dịch đang lưu hành cả 2 biến chủng siêu lây nhiễm trên thế giới là biến chủng Anh B.1.1.7 và biến chủng Ấn Độ B.1.617.2.

Đặc biệt, ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng do chủng Ấn Độ đã ghi nhận 64 ca, trong đó có 37 người trực tiếp sinh hoạt hội truyền giáo. Ca bệnh đã xuất hiện tại hơn 50% số quận huyện của TPHCM, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong TP là rất cao; thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận.

Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, TP cũng ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp Tân Bình và Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra có một số người sinh hoạt giáo phái này cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp. Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng.

Chủ tịch UBND TP cho biết, trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch, giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, TP áp dụng các Bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch của TP và tổ chức hậu kiểm việc thực hiện các Bộ chỉ số an toàn; thực hiện xét nghiệm sàng lọc chủ động với các đối tượng có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu vực chợ, siêu thị; các cơ sở dịch vụ giải trí và các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người....

TP triển khai kiểm soát dịch bệnh đồng bộ, chủ động trên cả 3 đường: đường hàng không, đường bộ, đường thủy. Nâng mức kiểm soát, sàng lọc dịch bệnh lên mức cao nhất tại bệnh viện, khu chế xuất, khu công nghiệp và xét nghiệm định kỳ hằng ngày, hàng tuần, hằng tháng đối với các đối tượng có nguy cơ cao.

TP cũng quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung và định kỳ giám sát các đối tượng cách ly tại nhà. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước TP nếu người cách ly tại nhà nhưng ra khỏi nhà. Tăng cường quản lý các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo; truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người đứng đầu và của các hội viên.

TP cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh, phát huy mạnh mẽ vai trò Tổ Covid-19 cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng tới điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu điều tra, truy vết, xử lý dập dịch, phát huy năng lực xét nghiệm 35.000 – 40.000 mẫu đơn/24 giờ và sẵn sàng phương án tổ chức điều trị 5.000 người bệnh. Tăng cường các biện pháp phòng thủ, đảm bảo an toàn tối đa phòng chống dịch trong cơ sở y tế, chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng.

Tổ chức tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên và đảm bảo tiến độ, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong công tác tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia có chỉ đạo về biện pháp giám sát người đến từ những địa phương đang có nhiều ca bệnh trong cộng đồng để các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine và cơ chế tài chính khi mua vaccine cho nhóm đối tượng trong diện tiêm từ kinh phí do TPHCM bố trí.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP

 

Chúng ta đang kiểm soát được tình hình

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, về tổng thể chúng ta đang kiểm soát được tình hình, nhưng cục bộ có một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, diễn biến càng ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM và một phần nào đó ở Hà Nội. Thứ hai, là đặc điểm biến chủng virus lần này nguy hiểm hơn, phức tạp hơn, gây bệnh nặng hơn và khó kiểm soát hơn. Thứ ba, là dịch bệnh lây nhiễm từ cộng đồng sang khu công nghiệp và từ khu công nghiệp sang cộng đồng thông qua người lao động, thông qua công nhân; đặc biệt đã xuất hiện lây nhiễm trong các hoạt động đông người, hoạt động tôn giáo.

Về các giải pháp ngăn chặn, Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp đã bám sát tình hình, kịp thời, quyết liệt, đúng hướng và đưa ra các giải pháp khả thi. Tổ chức thực hiện nói chung là toàn diện, tích cực, hiệu quả. Đồng thời việc huy động các nguồn lực con người và vật chất đã được thực hiện rất bài bản và hiệu quả. Các bộ, ngành làm tốt việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, lấy tấn công là chính, trong đó đã thực hiện rất quyết liệt và tích cực chiến lược vaccine.

Thủ tướng đánh giá, kết quả chung của các cấp, các ngành trong phòng, chống Covid-19 đã góp phần rất quan trọng vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Về nhiệm vụ, mục tiêu sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu đầu tiên là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trong lúc này là trên hết, trước hết. Thứ hai là kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TPHCM, các khu công nghiệp. Thứ ba là, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm “an ninh, an dân, an toàn”. Thứ tư là phải kết thúc tốt đẹp năm học 2020-2021, đây là việc liên quan đến tương lai.

Thủ tướng nêu rõ những tư tưởng chỉ đạo chính trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới.

Thứ nhất, tinh thần là “chống dịch như chống giặc”, trong lúc này toàn hệ thống chính trị và toàn dân phải “tổng tiến công toàn lực, toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, với quyết tâm cao hơn, với nỗ lực lớn hơn, với hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tập trung cao hơn nữa nhưng phải có trọng tâm trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình nhanh hơn nữa”.

Thứ hai, phát huy những kết quả, thành quả đã đạt được trong các đợt chống dịch lần trước và những kết quả bước đầu của lần này để phát huy hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa và vận dụng tốt hơn nữa trên cơ sở bám sát thực tiễn, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, trong chỉ đạo, trong tổ chức thực hiện, trong xây dựng cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, tuyên truyền vận động, trong việc lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể trong phòng, chống dịch.

Thứ ba, phải tiếp tục nắm chắc và dự báo tốt tình hình, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, nhưng phải tấn công là chính, là đột phá, phải làm ngay, phòng ngừa là vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài, thường xuyên và quyết định. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch, nhưng ngược lại cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh, thiếu kiên trì khi có dịch dẫn đến các quyết định không phù hợp, kém hiệu quả.

Thứ tư, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân, nhất là người đứng đầu phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tất cả vì nhân dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ các quy định, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Thứ năm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích đổi mới sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để dễ theo dõi, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.

Thứ sáu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tổng kết những cách làm hay, hiệu quả để bổ sung vào kinh nghiệm và lý luận chống dịch. Coi trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân để người dân biết, hiểu, cùng làm, cùng bàn bạc, cùng thụ hưởng những thành quả chống dịch. Mỗi người phải tự bảo vệ mình tức là bảo vệ cộng đồng, ngược lại bảo vệ cộng đồng tức là bảo vệ mình, góp phần vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ bảy, càng trong lúc khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, lấy đó làm động lực phấn đấu vươn lên, trưởng thành, khẳng định mình như truyền thống lịch sử của dân tộc, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ, tránh khuynh hướng những lúc khó khăn thì mất đoàn kết, đổ lỗi, phân tán lực lượng… Đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân có tư tưởng, hành động, biểu hiện lợi dụng phòng, chống dịch để chống phá, xuyên tạc, dựng chuyện, làm méo mó sự thật, gây rối, làm hoang mang, mất lòng dân.

Tại hội nghị, Thủ tướng kêu gọi toàn dân, cùng toàn thể hệ thống chính trị chung sức đồng lòng chống dịch; mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp với tinh thần sáng tạo, chủ động, tấn công để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch hiện nay, cũng như các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong năm nay.

 

Minh Thư

Tin mới hơn
Tin đã đưa