title Kinh tế - đô thị

Thủ tướng đối thoại với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu
Chủ nhật, 07/03/2021, 14:50 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) – Chiều 6/3, tại Hội trường Thống nhất, TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”.

Thủ tướng dự Đối thoại 2045

Tham dự có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Do đó, đối thoại này nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp (DN).

Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những DN lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước.

Để hiện thực hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo. Niềm tin là chất xúc tác lớn nhất cho mọi quyết tâm cũng như mọi mục tiêu phải đạt tới. Phải có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc ta.

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, đã có gần 30 ý kiến của các DN, chuyên gia kinh tế hoạt động trên nhiều lĩnh vực phát biểu. Ngoài dẫn chứng cụ thể về các nút thắt cản trở DN sản xuất, kinh doanh, các ý kiến tập trung đóng góp giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2045. Các DN cho rằng, Chính phủ cần phải phát huy vai trò bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Trong đó, cần thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Việc áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN cần phải được thực hiện nhanh, nhất quán và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Cần có chính sách hỗ trợ vốn, giảm thuế, nhất là đối với DN có quy mô vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp… Đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Thủ tướng và các đại biểu dự Đối thoại 2045. Ảnh: VGP

Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia

Phát biểu tổng kết, Thủ tướng bày tỏ, qua phát biểu của các DN, trí thức, chúng ta thấy khát khao cháy bỏng về một Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045. Đến năm 2045, tức 25 năm nữa, một phần tư thế kỷ, thời gian đủ dài để xuất hiện những DN, tập đoàn khổng lồ của Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, có 5 vấn đề được nêu ra. Đó là con người và công nghệ, trong đó có vấn đề chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa của quốc gia.

Thứ hai là cần quan tâm đổi mới thể chế, đây là bà đỡ cho doanh nghiệp và đất nước, trong đó nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân.

Thứ ba, trao cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp, đặc biệt giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, người dân, các thành phần kinh tế như FDI, hợp tác xã, hộ cá thể… trong đó kinh tế tư nhân là một trong những thành phần quan trọng. Cần phải có kết nối, phát triển hạ tầng cho doanh nghiệp, nhất là tạo điều kiện về đất đai.

Thứ tư là nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ phát triển, đi liền với khởi nghiệp sáng tạo. Đi liền với đó là bảo vệ môi trường sống, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Và cuối cùng là bảo vệ văn hóa Việt Nam, nếu mất văn hóa là mất tất cả.

“Chúng ta thống nhất, DN là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn”, Thủ tướng phát biểu.

Trong thời đại ngày nay mục tiêu của DN nếu vẫn được định nghĩa là tốt đa hóa lợi nhuận thì sẽ lạc hậu; mục tiêu của DN không thể chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Thủ tướng tin rằng cộng đồng DN lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Gửi lời khuyên đến các DN, Thủ tướng nêu rõ, các DN yêu Tổ quốc, đoàn kết, không nản chí, năng động, quyết đoán, có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ thành quả của mình.

Theo Thủ tướng, “Đối thoại 2045" có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ là một diễn đàn đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với cộng đồng DN và đội ngũ trí thức nhằm thúc đẩy các nỗ lực cải cách bền bỉ, liên tục, xuyên suốt, nhất quán nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương chú trọng một số nhiệm vụ. Trước hết, cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển DN theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII mới đây của Đảng.

Tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách; các bộ, ngành và địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của DN; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của DN theo cơ chế thị trường.

Bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình DN; thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức.

Hỗ trợ cộng đồng DN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề đã nêu ra.

Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, nhất là các trường đại học, các trường dạy nghề. Vai trò của đội ngũ trí thức đi liền với doanh nhân trong thời kỳ hội nhập và thúc đẩy chuyển đổi phát triển đất nước là vô cùng quan trọng.

Vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chúng ta đã hoàn thành "mục tiêu kép" trong năm 2020, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Cùng với những đóng góp của cộng đồng DN, chúng ta không thể không nói đến vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức, những nhà phân tích kinh tế, các chuyên gia với những phản biện xã hội tâm huyết, trên tinh thần xây dựng, làm cho những giá trị được thức tỉnh, được bảo vệ và được tạo ra.

Thủ tướng kêu gọi hãy chung tay làm cho Việt Nam trở nên thành công hơn nữa, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến, phụng sự; có nhiều DN vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu. Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó. Đây là điều tất cả chúng ta cùng mong muốn.

Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời chúc mừng các nhà lãnh đạo nữ, nữ doanh nhân nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Minh Thư (theo chinhphu.vn)

Tin mới hơn
Tin đã đưa