Thủ tướng Phạm Minh Chính: TPHCM phát huy khí thế, thành tựu đã đạt được, tự tin vượt qua khó khăn thách thức - Thủ tướng Phạm Minh Chính: TPHCM phát huy khí thế, thành tựu đã đạt được, tự tin vượt qua khó khăn thách thức
Hoạt động của Lãnh đạo Thành phố.
(HCM CityWeb)- Sáng 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2021 và giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của TP. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương. Về phía lãnh đạo TPHCM có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các lãnh đạo Thành phố (TP) và lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTBCTP
5 nhóm kiến nghị để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo với đoàn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ vinh dự khi Thủ tướng Chính phủ, và đoàn công tác của Chính phủ đã ưu tiên chọn TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước làm việc sau khi nhận nhiệm vụ người đứng đầu Chính phủ. “Đây là động lực, sự khích lệ rất lớn đối với TPHCM cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Thay mặt Ủy ban nhân dân TPHCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề xuất với Thủ tướng Chính phủ 5 nhóm giải pháp kiến nghị nhằm thực hiện nhiệm vụ, đó là:
Nhóm 1: Về phân cấp, phân quyền cho TPHCM
TPHCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TPHCM và các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng Đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp một số lĩnh vực cho TPHCM trong quý II-2021. Hiện nay, một số nội dung trong Nghị định 93 không còn phù hợp và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của TPHCM.
Nhóm 2: Về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ở nhóm này TPHCM có 4 kiến nghị:
Thứ nhất, TPHCM kiến nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương, chỉ đạo Bộ Tài Chính chủ trì hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM; trình các cấp có thẩm quyền thông qua Đề án trong năm 2021. Cụ thể, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho Trung ương và tạo tiền đề để TPHCM phát triển nhanh, bền vững.
Thứ hai, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có sơ sở thực hiện.
Thứ ba, TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có quy định việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn giữa các doanh nghiệp có cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu và chuyển giao công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Thứ tư, về quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh. Cụ thể, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TPHCM để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và các khoản góp vốn liên doanh khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) cổ phần hóa. Một phương án khác là chấp thuận chủ trương không cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục DNNN thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Quyết định, Saigontouris thuộc nhóm cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Trong khi đó, Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn tại trung tâm. Đó là Khách sạn Bến Thành - Rex Hotel, Khách sạn Cửu Long - Majestic Hotel, Khách sạn Hoàn Cầu - Continental Hotel và Kách sạn Kim Đô. Các doanh nghiệp nhà nước TPHCM thuộc diện cổ phần hóa đang có 29 khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất với đối tác nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh. Các khu đất công ty liên doanh đang sử dụng cũng có vị trí quan trọng mang tính đảm bảo an ninh - quốc phòng trước mắt và lâu dài. Do vậy nhà nước cần thiết phải quản lý 4 khách sạn và phần vốn góp tại các liên doanh này.
Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhóm 3: Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025
TPHCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư TPHCM có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của TPHCM là 261.967 tỷ đồng.
Nhóm 4: Liên quan đến TP Thủ Đức, với các kiến nghị:
Thứ nhất, để TP Thủ Đức thật sự trở thành một động lực tăng trưởng mới cho TPHCM và cả vùng kinh tế phía Nam, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp TPHCM xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức, trình Chính phủ trong quý II-2021.
Thứ hai, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam. Các công trình bổ sung nêu trên sẽ được cân đối thanh toán từ khoản kinh phí tiết kiệm được trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng của dự án và từ khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp bổ sung (nếu có) theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các lô đất đã giao trước đây.
Thứ ba, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam về ưu đãi cho dự án tăng vốn đầu tư của công ty này.
Nhóm 5: Về quản lý đô thị. Ở nhóm này TPHCM có 6 kiến nghị
Thứ nhất, TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết ủy quyền cho UBND TPHCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TPHCM tại một số khu vực như xung quanh nhà ga Metro theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng), một số khu vực dự án như: khu đất 384,2ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (380ha) tại Xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; khu công viên khoa học và công nghệ, phường Long Phước, TP Thủ Đức và các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp thiết, sau đó cập nhật vào quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM.
Thứ hai, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép TPHCM quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng theo Nghị định 99/2015.
Thứ ba, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao trong phạm vi thực hiện dự án; đồng thời, cho phép TPHCM lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ (cấp B, C, D) theo hình thức chỉnh trang đô thị.
Thứ tư, về Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài đã được Thủ tướng giao UBND TPHCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án. Để đẩy nhanh tiến độ của dự án sau khi TPHCM trình báo cáo tiền khả thi, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện và đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn TPHCM.
Thứ năm, về các dự án khép kín đường Vành đai 3, dự án thành phần 1A dự kiến khởi công trong quý III-2021, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A vượt so với cam kết trước đây của TPHCM khoảng 1.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 2A, 2B, đoạn 3, đoạn 4 đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đối với dự án thành phần 1A, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bố trí nguồn vốn Trung ương đối với chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên của dự án thành phần 1A. Đối với dự án thành phần 1B: kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm tuyển chọn nhà đầu tư, triển khai khởi công trong quý III-2021 theo kế hoạch. Đối với các đoạn còn lại, TPHCM kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo triển khai hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Thứ sáu, về Dự án tuyến Vành đai 4 với chiều dài khoảng 198 km, đi qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM và Long An, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng. TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về vành đai 4. Đồng thời phối hợp các bộ ngành liên quan xem xét có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTBC TP
Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Sau khi nghe TPHCM báo cáo và ý kiến đóng góp của các Phó thủ tướng, các bộ ngành liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của TPHCM không chỉ ở khu vực phía Nam mà còn đối với cả nước. Những năm qua, TPHCM luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp lớn vào GDP của cả nước, có tốc tộ tăng trưởng cao, công tác phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tốt.
Trong 4 tháng đầu năm, TPHCM đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chủ động phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong điều kiện dịch bệnh nhưng tình hình kinh tế - xã hội đều có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế đều tăng so với cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư có nhiều điểm sáng, an sinh xã hội được đảm bảo, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi…
“TPHCM đang làm rất tốt việc thực hiện mục tiêu kép. Việc khắc phục hậu quả do dịch bệnh Covid – 19 là một thành quả lớn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ biểu dương TPHCM.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của TPHCM, đó là việc phát triển kinh tế xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và cơ hội có được. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng kinh tế chưa đạt được mục tiêu, 7 chương trình đột phá chưa đạt hiệu quả đặt ra, đầu tư công còn chậm, cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý… TP cần có tốc độ đổi mới nhanh hơn so với cả nước, đẩy mạnh hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực.
“Chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào sự thật để đối mặt và tạo động lực phấn đấu để khắc phục”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ đó, Thủ tướng Chính phủ thống nhất tư tưởng chỉ đạo cho TPHCM trong thời gian tới. Cụ thể, cần chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công trong mọi lĩnh vực, chuyển đổi từ tư thế thụ động sang chủ động hoàn toàn. Phát huy khí thế, thành tựu đã đạt được, từ đó tự tin vượt qua khó khăn thách thức.
Đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh hơn công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng viên. Đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân.
Thống nhất về nhận thức và hành động, suy nghĩ kỹ càng, tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hiệu quả, làm việc có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc ấy.
“Đối với những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng và hiệu quả, được đa số đồng tình thì mạnh dạn làm. Những cái nào chưa có luật, hoặc có luật mà chưa có quy định, hoặc có quy định rồi mà thực tiễn vượt qua thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai, bên phải), các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (thứ nhất, bên phải),
Lê Văn Thành (thứ hai bên trái) trao đổi với lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh TPHCM phải trở nên xứng tầm là trung tâm phát triển kinh tế xã hội của vùng và xứng tầm với sự kỳ vọng, mong đợi của nhân dân cả nước. TP phải đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu kép và không để bùng dịch Covid – 19 trở lại.
Để thực hiện điều đó, TPHCM cần xác định tinh thần chung là vừa xiết chặt kỷ cương vừa mở rộng không gian để đổi mới sáng tạo; Tinh thần phân cấp, phân quyền và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, cùng với đó là tăng cường giám sát kiểm tra liên tục và đầy đủ, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn…
Quán triệt việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, xây dựng chương trình hành động sát với thực tế, tránh khuynh hướng xây dựng hay nhưng khó tổ chức thực hiện do thiếu tính khả thi.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu TPHCM tổ chức, chuẩn bị chu đáo, an toàn, khách quan, công khai, minh bạch kì bầu cử Đại biểu quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Tiếp tục đẩy mạnh rà soát toàn diện thể chế, cơ chế, chính sách. Từ đó, đề xuất giải pháp để các cấp có thẩm quyền tham gia giải quyết. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, chú ý phát triển TP Thủ Đức thành khu vực tăng trưởng, phát triển mạnh về kinh tế số.
Về các nhóm đề xuất của TP, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cơ bản đồng tình với 15 đề xuất của TP, ngoài ra Chính phủ cũng có 1 đề xuất với TP, đó là trở thành trung tâm tài chính quốc gia. Những gì vướng mắc Chính phủ sẽ cùng TPHCM đề xuất Quốc hội tháo gỡ.
Về phát triển hạ tầng, Thủ tướng cho rằng cần đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó khâu giải phóng mặt bằng thì do địa phương thực hiện, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Liên quan đến Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, Thủ tướng đồng tình với việc cần đánh giá lại xem những gì còn thiếu để bổ sung, quan trọng nhất là Trung ương cho cơ chế chính sách để TPHCM phát huy tối đa không gian sáng tạo, tinh thần chủ động.
Thủ tướng cũng bày tỏ ủng hộ đối với đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách mà TPHCM đã xây dựng. Số điều tiết tăng được dùng tập trung cho 3 chương trình đột phá chiến lược, các công trình hạ tầng trọng điểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Văn phòng Chính phủ cùng với Thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng để các cơ quan, địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, buổi làm việc diễn ra hết sức hiệu quả là do Thường trực Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu, bàn bạc nhiều lần về các đề xuất, kiến nghị của Thành phố; trước cuộc làm việc, đã gửi các ý kiến tới Thành phố để tiếp tục trao đổi trước khi Thủ tướng kết luận chính thức tại cuộc họp. Đây là kinh nghiệm tốt để tiếp tục làm việc với các địa phương khác.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh TTBCTP
NTH
- Rà lại pháp lý dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh đã treo gần 30 năm (15/05)
- Các ứng cử viên Đại biểu HĐND TPHCM khóa X tiếp xúc cử tri quận 3 (15/05)
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri Sư đoàn 9 (15/05)
- Ứng cử viên Nguyễn Thành Phong: TPHCM luôn xem giữ vững an ninh trật tự là công việc trọng yếu (14/05)
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi (14/05)
- Ứng cử viên Nguyễn Thành Phong: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch (14/05)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch (14/05)
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Báo Sài Gòn Giải Phóng (14/05)
- Ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND gặp gỡ cử tri quận 1 (12/05)
- Tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chủ đề năm 2021 (12/05)