title Hoạt động của Lãnh đạo Thành phố.

Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng làm việc tại TPHCM
Thứ tư, 08/05/2019, 05:43 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb)- Sáng ngày 7/5, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII của Đảng đã chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban với lãnh đạo TPHCM và lãnh đạo 7 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội 13 của Đảng phát biểu.

Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh TPHCM và Vùng kinh tế Đông Nam Bộ đóng góp tỷ lệ rất lớn về tăng trưởng; dân số trên 20 triệu người, chiếm hơn 20% dân số cả nước, trong đó có hơn 11 triệu lao động. Năng suất lao động của vùng gấp 1,8 lần năng suất bình quân cả nước; GDP gấp 1,75 lần mức bình quân chung cả nước và chiếm một tỷ lệ rất cao trong tổng GDP cả nước; tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 6% và số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Thủ tướng cho biết, đã giao nhiệm vụ đối với 41 chuyên đề nghiên cứu cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó có TPHCM. Trên cơ sở đó, Tiểu ban xây dựng đề cương chi tiết để báo cáo Trung ương tại kỳ họp tới. Để hoàn thiện đề cương báo cáo và báo cáo đầy đủ, thì việc tổng hợp tình hình thực tiễn, kiến nghị, đề xuất từ các địa phương là hết sức quan trọng.

Riêng đối với TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần làm rõ việc phát huy vai trò của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp trong thời gian tới.

Về những tồn tại, bất cập, Thủ tướng cho rằng TPHCM và 7 tỉnh trong vùng đang đối diện với thách thức về hạ tầng, an ninh an toàn xã hội, chất lượng phát triển.

Thủ tướng cũng nhất trí với các ý kiến khẳng định, TPHCM và 7 tỉnh tiếp tục là vùng động lực phát triển của đất nước. Do vậy, hành động và tư duy của chúng ta phải ở tầm cao hơn trong phát triển, bảo đảm sự đồng bộ, toàn diện, đặc biệt là lo cho dân ấm no, hạnh phúc, an toàn. Phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, phát triển xanh. Chú trọng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0.

Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, TPHCM sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. TPHCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á.


TPHCM tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chính trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, TPHCM bảo đảm an sinh xã hội và các phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.

Tin mới hơn
Tin đã đưa