Tìm giải pháp phát triển bất động sản du lịch bền vững - Tìm giải pháp phát triển bất động sản du lịch bền vững
Kinh tế - đô thị
(HCM CityWeb) - Tại Diễn đàn Bất động sản du lịch “Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực” do Tạp chí điện tử The LEADER tổ chức vào ngày 6/4, các cơ quan quản lý, chuyên gia, diễn giả đã có cái nhìn toàn cảnh về thực trạng cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường bất động sản du lịch.
|
Các diễn giả chia sẻ thông tin tại Diễn đàn |
Diễn đàn đã tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính: "Toàn cảnh thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - Thực trạng và triển vọng đầu tư", "Tháo gỡ nút thắt và vượt qua thách thức để Việt Nam trở thành cường quốc du lịch để từ đó mang lại hiệu quả kinh doanh cho các dự án bất động sản du lịch", "Những vấn đề cần lưu ý khi đầu tư và phát triển dự án bất động sản du lịch", "Cơ hội và thách thức đầu tư bất động sản qua góc nhìn của doanh nghiệp"...
Bên cạnh đó, sự kiện cũng tạo cơ hội kết nối giữa các nhà phát triển bất động sản du lịch tới các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tiềm năng, với sự tham gia giới thiệu các dự án bất động sản du lịch của các doanh nghiệp, nhà phát triển dự án bất động sản lớn hiện nay.
|
Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu |
Theo Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch, sự lớn mạnh của ngành du lịch Việt Nam đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ… Đặc biệt, thị trường bất động sản có dòng vốn dịch chuyển và đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú du lịch.
|
Thống kê chỉ trong vài năm gần đây, số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch… tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam. Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư vào bất động sản du lịch.
Trên thực tế, hiện nay có một làn sóng phát triển rất sôi động của thị trường bất động sản du lịch ở nhiều địa phương đang có tiềm năng phát triển du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Nhưng trước xu hướng phát triển của lĩnh vực bất động sản du lịch, bên cạnh những cơ hội kinh doanh và đầu tư, không ít thách thức đang đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước.
TS Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực bất động sản du lịch, áp lực tăng cao về hạ tầng và dịch vụ du lịch, song hành cùng với sự đổ bộ của hàng loạt các dự án bất động sản du lịch lớn, bài toán quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế du lịch địa phương đang cần có lời giải.
Đối với nhà đầu tư, sự chưa rõ ràng về pháp lý đối với một lĩnh vực có các sản phẩm không chỉ mới ở Việt Nam mà còn rất đặc thù cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong kinh doanh hay vấn đề làm thế nào để quản lý, khai thác vận hành dự án bất động sản du lịch một cách có hiệu quả và phát triển bền vững đều là những băn khoăn lớn.
“Đặc biệt là những thách thức về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý, vận hành được các dự án bất động sản du lịch rất đặc thù và đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao này. Trong khi, hệ thống đào tạo nhân lực trong nước cho lĩnh vực này còn nhiều bất cập”, ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon” nhưng không phải ai cũng ăn được. Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư chất lượng.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, phương pháp đấu giá bất động sản hiện nay không ổn. Đối với bất động sản du lịch, các doanh nghiệp cần tham gia đầu thầu dự án gồm doanh thu, phương pháp xây dựng,…Bên cạnh đó, trình độ, kỹ năng của các nhân viên khá yếu tại nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Vì vậy các doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Phân tích các xu hướng nguồn cầu du lịch đòi hỏi sự thích ứng trong nguồn cung hạ tầng bất động sản, ông Hà Văn Siêu khuyến cáo chủ đầu tư dự án cần thiết kế sản phẩm dự án phát huy được những giá trị của tài nguyên du lịch về văn hóa và sinh thái; xác định được giá trị đặc thù, giá trị cốt lõi cho thương hiệu của dự án.
Trước mục tiêu đạt 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu 700.000 tỉ đồng trong năm nay của ngành du lịch cả nước, ông Siêu cũng lưu ý các doanh nghiệp về việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với tầm quản lý tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản du lịch tại Việt Nam cũng đối mặt với khó khăn là tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng công cộng. Để vượt qua khó khăn này, doanh nghiệp cần có trách nhiệm lớn hơn và đồng hành cùng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cân bằng lợi ích của nhà đầu tư và hạ tầng công cộng. Đặc biệt, các nhà đầu tư được ưu đãi về thuế thì cần có những chia sẻ thiết thực và thực hiện cam kết về đầu tư cơ sở hạ tầng công.
Minh Dung
- Khai mạc Hội chợ Triển lãm “Tôn vinh hàng Việt” năm 2019 (10/04)
- Giải pháp phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM (10/04)
- Nhà bán lẻ đầu tiên của Việt Nam nói không với ống hút nhựa (10/04)
- 12/4: TPHCM sẽ tổ chức Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch Việt Nam (09/04)
- Secutech Vietnam 2019 quy tụ hơn 500 gian hàng (08/04)
- 11 - 15/4: 1.600 gian hàng tại Triển lãm Quốc tế VietBuild TPHCM 2019 (06/04)
- Tăng cường giao thương giữa doanh nghiệp Cuba và doanh nghiệp TPHCM (04/04)
- Saigon Tex & Saigon Fabric 2019: Cơ hội cho doanh nghiệp ngành dệt may (04/04)
- Doanh nghiệp Việt ra biển lớn (02/04)
- 3-5/4: Triển lãm công nghệ thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học (01/04)