TPHCM: Gần 600 người đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác cho y học - TPHCM: Gần 600 người đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác cho y học
Văn hóa - Xã hội
(HCM CityWeb) - Tối ngày 29/9, tại chùa Giác Ngộ (quận 10, TPHCM) Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế phối hợp với Quỹ đạo Phật ngày nay - chùa Giác Ngộ tổ chức lễ vận động đăng ký hiến mô tạng và hiến xác cho y học.
Lễ đăng ký hiến mô tạng và hiến xác cho y học |
Tại buổi lễ, gần 600 người đã đăng ký hồ sơ hoàn chỉnh để hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học. Dự kiến, trong thời gian tới, sức lan tỏa của những thông tin từ buổi vận động được chia sẻ trên các trạng mạng xã hội sẽ còn thu hút được nhiều người xem và đăng ký hiến mô tạng, hiến xác cứu người.
Đông đảo mọi người làm thủ tục đăng ký hiến mô tạng và hiến xác cho y học tại buổi lễ |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), để thực hiện ghép mô, tạng, cần thực hiện 4 bước gồm: chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, quá trình thực hiện ghép mô, tạng và quá trình chăm sóc y tế sau khi ghép. Khó khăn nhất trong các bước này là việc mất cân bằng giữa số lượng người cho và người nhận. Việc cần làm là có những giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng cứu người cũng như hiến xác cho khoa học.
Liên quan đến vấn đề Phật pháp và hiến mô tạng, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Chủ tịch Quỹ Đạo Phật ngày nay chia sẻ: “Theo giáo lý của Đức Phật thì thân thể con người là vô ngã, chúng ta không sở hữu vĩnh viễn thân thể của mình mà chỉ là vay mượn. Vì thế, khi qua đời không có lý do gì mỗi người không hiến tặng một bộ phận nào đó của cơ thể mình cho những người đang cần để tiếp tục sự sống”.
Được biết, công dân đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống, sau khi chết và hiến xác". Hiện nay, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... Trong khi hàng trăm nghìn người có nhu cầu ghép tạng thì nguồn tạng được hiến tại Việt Nam lại rất ít và khan hiếm.
Hiện, những người sống hiến tạng chủ yếu hiến thận và một phần gan, đây là hai bộ phận vẫn có thể hoạt động tốt chức năng khi được hiến đi một phần. Còn lại hầu hết những mô và tạng khác chỉ được lấy ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng qua đời hoặc bị chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và muốn đăng kí hiến tạng sau khi chết.
Năm nay là năm thứ 4, Quỹ đạo Phật ngày nay - chùa Giác Ngộ phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế tổ chức đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học; theo đó trong năm 2015 có hơn 250 người đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học, năm 2016 có 583 người đăng ký và năm 2017 có 527 người đăng ký.
Minh Dung
- 11/12: Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Tranh Cup phát thanh VOH 2018 (02/11)
- Chiến dịch “Chủ động phát hiện, thu dung và quản lý điều trị bệnh nhân lao” (01/11)
- 6 – 7/10: Ngày hội sức khỏe cộng đồng (01/11)
- Lấy ý kiến phong tặng danh hiệu cho 11 nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ (31/10)
- Ngày quốc tế làm sạch bờ biển năm 2018 (30/10)
- Công tác đối ngoại đóng góp lớn trong việc hội nhập quốc tế và khu vực (28/10)
- Trao 8,39 tỷ đồng học bổng cho học sinh, sinh viên và các quỹ xã hội (24/10)
- Lễ hội “Trung thu mơ ước” lần 3 dành cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn (24/10)
- Kỷ niệm lần thứ 69 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (21/10)
- TPHCM: Khai mạc chương trình Instyle – Hongkong 2018 (20/10)