TPHCM mời gọi đầu tư vào 210 dự án với tổng vốn hơn 1 triệu tỷ đồng - TPHCM mời gọi đầu tư vào 210 dự án với tổng vốn hơn 1 triệu tỷ đồng
Hoạt động của Lãnh đạo Thành phố.
(HCM CityWeb) - Ngày 8/5, “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TPHCM năm 2019”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM tổ chức, đã diễn ra tại TPHCM. Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng với đại biểu các sở ngành, cơ quan ngoại giao cùng gần 700 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TPHCM cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư
TPHCM cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TPHCM là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP, đóng góp trung bình hàng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 tổng sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị
Tính đến cuối năm 2018, đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP với 8.112 dự án và tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44,94 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Riêng trong năm 2018, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,07 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2017, chiếm 22% tổng FDI của cả nước.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chia sẻ, lãnh đạo TP luôn nhận thức sâu sắc rằng, một môi trường đầu tư tốt đối với các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở các chính sách ưu đãi, khuyến khích, mà quan trọng hơn đó là sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của chính quyền. Với mục tiêu kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, TP thường xuyên tổ chức các hình thức đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, với các nhà đầu tư nước ngoài và đại diện các cơ quan lãnh sự... nhằm huy động cao nhất các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định, lãnh đạo TP luôn trân trọng sự đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước và cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP.
Thông tin thêm về tình hình mời gọi đầu tư của TPHCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP cho biết, TP đã giới thiệu mời gọi đầu tư vào tổng cộng 210 dự án, với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.183.610 tỷ đồng, tương đương 53.804 triệu USD, gồm các lĩnh vực: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; chỉnh trang đô thị; giáo dục; y tế; văn hóa – thể thao; du lịch – giải trí.
Cụ thể, lĩnh vực hạ tầng giao thông có 85 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 923.630 tỷ đồng, tương đương 41.983 triệu USD, bao gồm: 55 dự án cầu – đường bộ, 7 dự án giao thông đường thủy, 8 dự án đường sắt nội đô, 15 dự án đường bộ nội bộ; Lĩnh vực cơ sở hạ tầng có 36 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 108.023 tỷ đồng, tương đương 4.910 triệu USD, bao gồm: 4 dự án bãi đậu xe, 28 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 4 dự án giảm ngập nước.
Lĩnh vực nông nghiệp có 2 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.600 tỷ đồng, tương đương 73 triệu USD. Lĩnh vực thương mại – dịch vụ có 9 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 16.382 tỷ đồng, tương đương 745 triệu USD. Lĩnh vực chỉnh trang đô thị có 29 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 46.950 tỷ đồng, tương đương 2.134 triệu USD.
Lĩnh vực giáo dục có 14 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 3.046 tỷ đồng, tương đương 138 triệu USD. Lĩnh vực y tế có 6 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 13.079 tỷ đồng, tương đương 598 triệu USD. Lĩnh vực văn hóa – thể thao có 15 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 68.190 tỷ đồng, tương đương 3.100 triệu USD. Lĩnh vực du lịch – giải trí có 14 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 2.710 tỷ đồng, tương đương 123 triệu USD.
Cũng theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, đối với các dự án có sử dụng đất, tùy theo quy định của pháp luật và mục tiêu đầu tư của dự án sẽ có 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là quyết định chủ trương đầu tư; giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu hoặc hình thức đối tác công tư (PPP).
Các nhà đầu tư mong muốn hợp tác xây dựng TPHCM trở thành TP hùng mạnh của châu Á
Ông Harold Chen, Phó Chủ tịch Tập đoàn Alpha King cho biết Công ty TNHH Build Your Dream (BYD) là đối tác của Tập đoàn Alpha King tại Việt Nam, đã đầu tư tổng cộng 800 triệu USD và huy động hơn 1.000 kỹ sư trong dự án R&D kéo dài 5 năm để tạo ra BYD Sky Rail, một hệ thống đường ray dầm ngang thích ứng tốt địa hình và hòa vào hệ giao thông TP dễ dàng, chiếm đất tối thiểu, có thể giải quyết các vấn đề tắc nghẽn giao thông đô thị với chi phí xây dựng thấp hơn, thời gian xây dựng ngắn hơn so với đường sắt trên cao và tàu điện ngầm.
Ông Harold Chen bày tỏ mong muốn hợp tác góp phần xây dựng TPHCM trở thành cửa ngõ hiện đại của Đông Nam Á và hy vọng có được sự chấp thuận của lãnh đạo TPHCM cho phép Alpha King và BYD nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và số 2.
Là một nhà đầu tư nội địa, Tập đoàn BRG đã và đang phát triển nhiều dự án tầm cỡ, và hợp tác với nhiều tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như Hilton, Marriott, Four Seasons, InterContinental trong lĩnh vực khách sạn; Nicklaus, Greg Norman trong lĩnh vực sân golf; Ngân hàng Societe Generale của Pháp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; Tập đoàn Sanrio của Nhật Bản trong lĩnh vực vui chơi giải trí; Tập đoàn Central Group của Thái Lan trong hoạt động bán lẻ; Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản trong dự án đầu tư TP thông minh Bắc Hà Nội.
Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng trường Đại học RMIT có niềm tin rằng qua 17 năm hoạt động tại Việt Nam, Đại học RMIT đã góp phần hữu ích đối với nâng cao năng lực nguồn nhân lực Việt Nam. Tầm nhìn của Đại học RMIT trong những năm tới là tạo ảnh hưởng tích cực và bền vững trong khu vực châu Á. RMIT Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa tầm nhìn này và sẽ là bệ phóng cho khu vực châu Á. Đại học RMIT giới thiệu nhiều chương trình học mới giúp nâng cao năng lực nguồn nhân lực Việt Nam, làm việc với các sở ban ngành và tổ chức chính phủ để xây dựng năng lực nghiên cứu cho Việt Nam bằng cách xác định các nguồn tài trợ nghiên cứu. Đại học RMIT cũng đang nỗ lực thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế đến Việt Nam.
Toàn cảnh hội nghị
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG, nhận thấy du lịch, khách sạn và vui chơi giải trí là các lĩnh vực mà TPHCM có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và cần được khai thác đa dạng hơn nữa, đây cũng là các lĩnh vực Tập đoàn BRG có thế mạnh và kinh nghiệm.
Các dự án Tập đoàn BRG đang triển khai tại TPHCM là các dự án khách sạn, văn phòng đã được hình thành trước đây, sau quá trình M&A, Tập đoàn BRG tiếp tục đầu tư phát triển một cách bài bản như khách sạn Hilton Garden Inn, khách sạn Crowne Plaza (Intercontinental); khách sạn Diamond Complex; nghiên cứu phát triển dự án Tổ hợp khu du lịch giải trí tại Hóc Môn, dự án vui chơi giải trí Hello Kitty. Tập đoàn BRG cũng rất quan tâm đến các dự án có ý nghĩa cộng đồng của TPHCM như dự án Quy hoạch Khu đô thị sáng tạo (tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức).
Bà Nguyễn Thị Nga hoan nghênh việc TP áp dụng công nghệ để chia sẻ thông tin cho các nhà đầu tư, có thể kể đến như các ứng dụng tìm kiếm thông tin quy hoạch hay ứng dụng tra cứu các dự án mời gọi đầu tư trực tuyến được giới thiệu ngay tại Hội nghị này. Bà cho rằng đây là những bước đi tích cực trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin của TPHCM. Bà rất mong TP sẽ tiếp tục có những chính sách cởi mở và những cam kết mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, nhằm đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển. Bà tin tưởng TP sẽ có nhiều nhà đầu tư có năng lực thật sự để giao phát triển những dự án trọng điểm, cùng hợp tác xây dựng TPHCM trở thành TP hùng mạnh của châu Á.
Giữa những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nền kinh tế Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng ông Linson Lim, Chủ tịch Tập đoàn Keppel Land tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam và cam kết tăng cường hơn nữa sự hiện diện của Keppel Land tại Việt Nam, tập trung vào TPHCM, địa phương mà Keppel Land tin rằng sẽ tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Ông Linson Lim rất vui vì chính quyền TP đã rất ủng hộ các nhà đầu tư, giúp tạo ra một môi trường thuận lợi. Ông hy vọng các cấp chính quyền sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài giảm thiểu rủi ro đầu tư và hoạt động thông qua sự rõ ràng của các chính sách, việc minh bạch hóa các quy trình phê duyệt dự án. Những cải thiện như thế sẽ cho phép các doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư với sự tự tin hơn, hoạt động hiệu quả hơn và đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển của thành phố.
Con người là nền tảng thành công của doanh nghiệp, một nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. TPHCM có một lực lượng lao động trẻ, cần cù và được đào tạo bài bản. Ông Linson Lim hy vọng TP sẽ tiếp tục đầu tư đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực địa phương, để có thể sẵn sàng nắm bắt các cơ hội ở phía trước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận thấy trong 10 năm gần đây, quy mô thị trường bất động sản đã tăng trưởng gấp đôi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bất cập chủ yếu là tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng đô thị, ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường sống. Trong danh mục 210 dự án mời gọi đầu tư lần này, Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản quan tâm và mong muốn được tham gia đầu tư vào nhiều dự án trong số 85 dự án hạ tầng giao thông, 36 dự án cơ sở hạ tầng đô thị, 29 dự án chỉnh trang đô thị, 9 dự án thương mại dịch vụ.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề nghị UBND TP chỉ đạo bổ sung thêm các dự án mời gọi đầu tư như dự án đô thị sáng tạo phía đông TPHCM, dự án Bình Qưới - Thanh Đa, dự án Nam Kênh Đôi, dự án Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ...
Hiệp hội cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với quỹ đất thuộc hành lang sông, rạch; trong đó, đề xuất bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn, để xây dựng các dự án mời gọi đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hiệp hội nhất trí với UNBD huyện Cần Giờ đề xuất dự án cầu vượt biển nối liền Cần Giờ - Vũng Tàu (chiều rộng cửa biển 12km) bổ sung vào quy hoạch Vùng TPHCM, vừa phục vụ giao thông liên vùng, vừa phục vụ du lịch, cảnh quan, để mời gọi đầu tư.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, đối với các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nhất là chỉnh trang đô thị, gian nan nhất đó là công tác giải phóng mặt bằng. Hiệp hội đồng tình khi được biết UBND TP đã kiến nghị Chính phủ cơ chế và giải pháp để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn hơn 100 ngày, để sớm giao quỹ đất cho nhà đầu tư. Về hành lang pháp lý, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về dùng tài sản công, trong đó có quỹ đất, để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Hiệp hội kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị chủ trì dự án khẩn trương rà soát, hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi của các dự án mời gọi đầu tư, nhất là các dự án chỉnh trang đô thị.
Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế và sử dụng các nguồn lực hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2019, TP đặt mục tiêu duy trì mức đóng góp ngân sách chiếm 27 - 28% cả nước, phấn đấu nâng mức tỷ trọng đóng góp tổng sản phẩm nội địa hiện tại từ 23% lên 25%, GRDP tăng từ 8,3% - 8,5% và phấn đấu liên tục thăng hạng trong các bảng tổng sắp về sức mạnh kinh tế và quản trị xã hội.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị
Để đạt được những mục tiêu đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP cần tiếp tục tăng cường quỹ đất cho công nghiệp, làm cơ sở để thu hút vốn đầu tư. TP đã thành lập Tổ Công tác để thực hiện khảo sát làm rõ hiện trạng sử dụng đất, việc kết nối hạ tầng và tham mưu hướng xử lý đối với phần diện tích đất khoảng 1.000 ha dự kiến bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2020. Đồng thời, trong phương án mở rộng các khu công nghiệp cũng sẽ tính tới việc xây dựng khu công nghiệp mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ mới. Bên cạnh đó, TP khuyến khích các dự án có chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ nguồn và dự án có xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D); đầu tư phát triển hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội).
Với tinh thần này, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế thúc đẩy sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Hình thành các liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp có vốn FDI và đầu tư trong nước, từ đó tạo ra các chuỗi giá trị và nâng cao giá trị thành phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
TP cũng cần tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”. Bốn mục tiêu của đô thị thông minh là: đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; người dân và doanh nghiệp tham gia quản lý và giám sát chính quyền.
Để phát triển hướng tới 4 mục tiêu này, TP tiếp tục tập trung triển khai 4 giải pháp, là: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của TP; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh thông tin.
TP còn cần thực hiện Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để đến năm 2020, TP phải có ít nhất 500.000 doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; tập trung triển khai 7 chương trình đột phá trong giai đoạn 2016 - 2020 và tiếp tục mời gọi đầu tư định hướng vào 9 nhóm ngành dịch vụ.
Trên tinh thần đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp sẽ đóng góp ý kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư cũng như nêu những thắc mắc, đề xuất trong quá trình tiếp cận các dự án đang kêu gọi đầu tư để cùng thành phố tiếp tục đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ yêu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Lãnh đạo TP rất mong các doanh nghiệp hãy đến với TPHCM bằng khối óc, tức là công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức là chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp để cùng với TP thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP sẽ có những chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ngành nghiên cứu những câu hỏi, đề xuất của các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận các dự án đầu tư để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh, gắn bó lâu dài với TP.
- Chủ động mời gọi doanh nghiệp nước ngoài để tạo sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến (11/05)
- TPHCM và Thượng Hải tăng cường hợp tác (11/05)
- 4 tháng đầu năm 2019: TPHCM thu hút 2,37 tỷ đô-la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (10/05)
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy (10/05)
- Chủ tịch UBND TPHCM tiếp Công chúa kế vị Hoàng gia Thụy Điển (09/05)
- Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng làm việc tại TPHCM (08/05)
- Ông Bùi Văn Phúc làm Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 2 (07/05)
- Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri quận 1 (07/05)
- Khánh thành Trung tâm Báo chí TPHCM (06/05)
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao (05/05)