title Hoạt động của Lãnh đạo Thành phố.

TPHCM sớm hình thành cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Thứ năm, 21/03/2019, 07:20 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb)- Sáng 20/3, UBND TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2019 – 2025”. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo về nghiên cứu và ứng dụng AI do UBND TP tổ chức. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội thảo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội thảo. Ảnh SGGP

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Đây là hội thảo quan trọng lần đầu tiên của TP để làm rõ khái niệm vai trò, vị trí của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của TP, cũng như nâng cao nhận thức các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


“TP hy vọng từ những sáng kiến cũng như kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp giúp TP vững bước tự tin trên con đường phía trước, tiếp thêm động lực để TP có thể sản xuất những sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam và do người Việt Nam làm chủ” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.


Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng: Để phát triển trí tuệ nhân tạo, TP cần tập trung vào 3 mũi nhọn chiến lược là đào tạo nhân lực, nắm bắt công nghệ, hình thành khu đô thị sáng tạo. Theo đó, về đào tạo nhân lực phải tạo ra đội ngũ giỏi và có thể khởi nghiệp về AI. Cụ thể, về nền tảng sẽ tạo liên kết 3 nhà là nhà trường, nhà tuyển dụng và nhà nước. Đối với nội dung đào tạo cần đưa môn lập trình vào giáo dục phổ thông, đưa AI vào trường phổ thông chuyên, phát triển chương trình đào tạo tiên tiến về AI.


Đồng thời, TP cần làm chủ, cải tiến công nghệ AI nền tảng. Cụ thể, trong giai đoạn 2020 - 2025, làm chủ công nghệ, trong đó tập trung vào big data (dữ liệu lớn), các hệ thống thông minh, lý thuyết máy học nền tảng… Giai đoạn 2025 - 2030, cải tiến công nghệ bằng việc phát triển AI theo hướng ứng dụng, áp dụng cho y tế, giao thông, an ninh, doanh nghiệp, quốc phòng… Giai đoạn 2030 trở đi, sáng tạo công nghệ.


Đồng quan điểm, PGS.TS Thoại Nam, Trường Đại học Bách khoa TPHCM phân tích: Hiện nay, AI được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội như an ninh công cộng, giao thông thông minh, sản xuất, thương mại điện tử… Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển của AI, các tổ chức cần phải giải quyết tốt các thách thức về dữ liệu, hệ thống tính toán, con người, sự sẵn sàng chấp nhận của cộng đồng sử dụng.


Cụ thể, cần đầu tư và cộng tác giữa các trường, viện và các đơn vị sở hữu dữ liệu khác giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội tiếp cận với dữ liệu. Đồng thời, xây dựng hệ thống tính toán mạnh để nhanh chóng cho ra đời các thực thể thông minh. Mặt khác, trong bối cảnh AI cần được giới thiệu và ứng dụng cho các ngành khác nhau, các tổ chức đào tạo nên xem xét lại việc cấu trúc chương trình đào tạo cho phù hợp hơn, có tính liên ngành và tính cộng tác hơn, cũng như đánh giá và nâng cấp chương trình đào tạo liên thông và thống nhất để đào tạo nguồn nhân lực.

 

GS.TSKH Hồ Tú Bảo phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

 

Đề cập về việc nghiên cứu và ứng dụng AI ở TPHCM, GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp Toán, đề xuất TP xây dựng hạ tầng số vững chắc như kỹ thuật máy, mạng; dữ liệu kết nối, chia sẻ; ứng dụng big data, AI… Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực AI của TP; trong đó, điều chỉnh chương trình đào tạo AI ở các trường của TP, đào tạo kỹ năng và kiến thức mới cho người lao động, trang bị kiến thức AI đại chúng cho cán bộ TP, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia AI của TP, kết nối hiệu quả với chuyên gia AI người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, TP cần xây dựng, kết nối và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở và liên kết của chính quyền; xây dựng chính quyền số của TP.


Hình thành Ban Xây dựng và Điều hành chương trình hợp tác về nghiên cứu ứng dụng AI


Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TPHCM có điều kiện về nguồn nhân lực, quy mô kinh tế để cùng cả nước hình thành một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng về AI. Thành phố đã hình thành bước đầu các cơ sở nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Hội thảo nhằm xác định mục tiêu, lộ trình và các chương trình để nghiên cứu và triển khai ứng dụng AI tại TPHCM thời gian 5-7 năm tới.


Bí thư Thành ủy TPHCM gợi ý xây dựng một cơ sở dữ liệu về những người tại TP có thể tham gia nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo.  Đồng thời, hình thành Ban Xây dựng và Điều hành chương trình hợp tác về nghiên cứu ứng dụng AI tại TPHCM. Ban có chức năng giúp chính quyền TP xác định hợp tác với các đối tác về nghiên cứu và ứng dụng AI, có doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia. Cuối tháng 3 hình thành Ban để bắt tay vào việc, tháng 4 Ban sẽ kiến nghị những công việc sẽ làm trong giai đoạn 2019-2020 và 2020-2025.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu dự hội thảo.
Ảnh: Thanhuytphcm.vn

 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố đủ nguồn lực và nếu cần sẽ đề xuất cơ chế đặc thù để hình thành một cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng AI tại TP bao gồm các nhà khoa học, viện, trường, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia.


Về công việc cụ thể, Bí thư Thành ủy cho rằng TP cần xác định đối tác chiến lược nghiên cứu và ứng dụng AI, có thể là quốc gia, công ty hoặc trường đại học tại các quốc gia là đối tác chiến lược với Việt Nam; Xác định xây dựng phòng thí nghiệm trọng tâm về nghiên cứu ứng dụng AI của TP đặt tại các trường đại học, viện nghiên cứu;  Xác định chương trình đào tạo về AI, bao gồm đào tạo cơ bản và đào tạo bổ sung;  Hình thành trường đại học chia sẻ để đào tạo về AI; Chọn một số hướng nghiên cứu có tính chất dài hạn, đa ngành về ứng dụng AI... 
 

NTH

Tin mới hơn
Tin đã đưa