TPHCM tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em - TPHCM tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em
Hoạt động của Lãnh đạo Thành phố.
(HCM CityWeb) – Sáng 9/6, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Lắng nghe và Trao đổi với chủ đề “Bảo vệ trẻ em – Thực trạng và giải pháp”. Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải điều hành chương trình. Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình Trẻ em, nguyên Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Lê Thị Thu.
Số liệu thống kê cho thấy, TPHCM hiện có hơn 2,1 triệu trẻ em. Ngoài ra, còn có hơn 470.000 trẻ dưới 15 tuổi đăng ký tạm trú tại TP. Từ khi Luật Trẻ em có hiệu lực năm 2016, TPHCM đã ban hành nhiều văn bản về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 như: Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em; bảo vệ trẻ em; xây dựng TPHCM thân thiện với trẻ em… Bên cạnh đó, TP đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Luật trẻ em, quan tâm đảm bảo chế độ, chính sách cho trẻ em; đấu tranh, phòng chống tệ nạn lạm dụng, bạo hành trẻ em…
Hàng năm, lãnh đạo TP đều tổ chức gặp gỡ thiếu nhi tiêu biểu để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các em. Từ đó, có những trao đổi, phản hồi, chỉ đạo cụ thể, sát sao cho các ngành nhằm đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em. Từ những kiến nghị, đề xuất này, trong năm qua, TP đã xây dựng thêm các điểm vui chơi giải trí, đầu tư xây dựng 22 phòng chiếu phim 3D phục vụ trẻ em, đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường hoạt động ngoại khóa, hoạt động về nguồn cho học sinh...
Công tác chăm lo cho sức khỏe trẻ em cũng được chú trọng. Sở Y tế TP đã tích cực tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em. Trong năm qua, các hoạt động tư vấn tâm lý, tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, kỹ năng tự vệ, phòng chống xâm hại đã được tổ chức cho hơn 25.500 em tham gia. TP cũng đã tăng cường việc phổ cập bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho thiếu nhi.
Tội phạm xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng
Dù có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động thiết thực, đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ em, tuy nhiên, TPHCM cũng có nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em.
Theo Công an TPHCM, tình hình tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP trong giai đoạn từ năm 2017 đến quý I năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp. TP đã khởi tố 282 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em; phần lớn là hành vi xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 86,51%). Trong số đó có đến 101 vụ phải đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra, chiếm tỷ lệ hơn 30% số vụ án đã khởi tố.
Đáng chú ý, hành vi xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng về số vụ lẫn tính chất nghiêm trọng. Độ tuổi bị xâm hại ngày càng nhỏ, trong đó phần lớn là trẻ em gái, chiếm 85%. Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là người có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao.
Trước thực trạng trên, các ý kiến phát biểu tại chương trình cho rằng, TP cần tăng cường quản lý nhà nước trong việc phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, xem đây là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành.
TP cần đưa xử án điểm những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, để xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại trẻ em; cần có lớp học kỹ năng về tâm lý trẻ; hướng dẫn các quy trình tố giác các đối tượng xâm hại trẻ em…
Kết luận chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải cho biết, TP sẽ có giải pháp căn cơ và đồng bộ, quyết liệt thực hiện để chăm lo và bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.
Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải thay mặt Thường trực HĐND TP nêu 5 kiến nghị. Thứ nhất, các ngành, các cấp tăng cường hơn nữa tuyên truyền chính sách pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đối tượng tuyên truyền không chỉ dừng lại trong phụ huynh mà còn tuyên truyền đến các em thiếu nhi, đặc biệt thiếu nhi ở các khu nhà trọ và vùng sâu vùng xa. Địa bàn tuyên truyền sâu ở nhà trường, trong các khu nhà trọ, khu dân cư… Nội dung tập trung tuyên truyền quy trình và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Thứ hai, tập trung các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị 18 của Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.
Thứ ba, nâng cao hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ chăm sóc trẻ em từ phường xã, quận huyện đến TP.
Thứ tư, UBND TP ban hành quy trình phối hợp xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Thứ năm, Thường trực HĐND TP, các Ban của HĐND TP tăng cường hơn nữa giám sát thi hành chính sách pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em và giám sát việc xử lý tội phạm gây ra tình trạng này.
Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải cho biết chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng tới có chủ đề “Vai trò tham gia của người dân khi ứng phó với ngập nước trên địa bàn TP”.
Minh Thư
- Điều chỉnh phân công công tác trong Thường trực UBND TP nhiệm kỳ 2016 - 2021 (13/06)
- TPHCM triển khai tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch (13/06)
- Lãnh đạo TPHCM tiếp Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc (13/06)
- Đại sứ Malaysia chào từ biệt lãnh đạo TPHCM (13/06)
- Ông Mai Hữu Quyết giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM (12/06)
- TPHCM mong muốn các tập đoàn, công ty Hàn Quốc đầu tư trên nhiều lĩnh vực (09/06)
- Xây dựng TPHCM thành khu vực phòng thủ vững chắc tương xứng với tiềm năng và thế mạnh (09/06)
- Trao quyết định phê chuẩn kết quả bầu hai Phó Chủ tịch UBND TPHCM (07/06)
- Công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM (07/06)
- TPHCM xem xét ứng dụng phòng họp không giấy (07/06)