title Hoạt động của Lãnh đạo Thành phố.

TPHCM tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021
Thứ tư, 21/04/2021, 14:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) - Sáng 21/4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng, Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, phường Long Bình, TP Thủ Đức, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021.

Lãnh đạo TPHCM tham dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021

 

Đến tham dự Lễ giỗ Tổ có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Hồ Hải; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu và đại diện các sở, ban - ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang TP; TP Thủ Đức, các quận - huyện; nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc, cựu chiến binh, công dân, nông nhân, thanh niên, phụ nữ, doanh nhân và kiều bào.

 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu phát biểu tại buổi lễ

 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết: Hàng năm, vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch, những người con Lạc Việt trên khắp mọi miền đều thành kính hướng về Quốc Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ công đức to lớn của các Vua Hùng dựng nước.

 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: “Từ bao đời nay, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Sức mạnh cội nguồn ấy đã đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển”.

 

Nhiều hoạt động đặc sắc trước trong và sau dịp Lễ hội

 

Lễ hội năm nay gắn với kỉ niệm tròn 10 năm Khu tưởng niệm các Vua Hùng nên có nhiều hoạt động đặc sắc trước trong và sau dịp Lễ hội. Các hoạt động đặc sắc được tổ chức như: triển lãm hình ảnh, đua xe đạp với chủ đề “Khu tưởng niệm các Vua Hùng - 10 năm khánh thành và phát triển”, biểu diễn võ cổ truyền, múa rồng… hội trại, hội sách, hội thi “Gói, nấu bánh chưng”. Nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân diễn ra tại quảng trường gồm: Biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là chương trình ca múa nhạc tổng hợp kỉ niệm 10 năm khánh thành và phát triển.

 

 

Ông Từ Hồng Long, Trưởng phòng sự kiện Văn hóa lễ hội, cho biết: Khu tưởng niệm Vua Hùng được xây dựng trên diện tích khoảng 84ha. Hạng mục chính là khu đền thờ và nhiều hạng mục khác. Ngoài nghi thức lễ rước gồm 18 cặp bánh chưng, 18 cặp bánh dày dâng Vua Hùng; trong dịp này Ban Tổ chức cũng tăng cường thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ Nhân dân đến dâng hương. Các nền văn hóa phi vật thể đó là đờn ca tài tử, quan họ Bắc Ninh, hát xẩm, nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian, múa rối nước… để phục vụ đồng bào.

Cùng thời điểm, tại Đền thờ Các Vua Hùng ở Công viên Văn hóa Suối Tiên, Công viên Tao Đàn và Thảo Cầm Viên, các nghi thức diễu hành rước lễ, dâng hương, dâng hoa lên Quốc Tổ Hùng Vương cũng được tiến hành trong không khí trang nghiêm, thành kính. Nhiều người có mặt từ rất sớm để thắp hương cũng như thành kính tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

ZUKI

Tin mới hơn
Tin đã đưa