TPHCM tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - TPHCM tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Các hoạt động nổi bật của Thành phố
(HCM CityWeb) – Ngày 20/4, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP.
Các gian hàng sản phẩm thương hiệu Việt tại Hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Tấn Ngời, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP, cho biết trong 10 năm qua, Ban chỉ đạo đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức triển khai cuộc vận động, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình triển khai. Đồng thời, tổ chức khảo sát, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, chợ truyền thống, ban chỉ đạo một số quận - huyện... để có đánh giá kết quả thực hiện sâu hơn; tìm những thiếu sót, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai để khắc phục, tháo gỡ.
TP đã triển khai Chương trình hành động thực hiện cuộc vận động gắn với Chỉ thị số 24 của Thủ tướng về tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Triển khai các chương trình phát triển kinh tế TP, trong đó có Chương trình bình ổn thị trường, 100% hàng hoá thuộc 4 nhóm hàng là lương thực thực phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu...
Ông Trần Tấn Ngời cho biết thêm TPHCM đã gắn cuộc vận động với chương trình Bình ổn thị trường của TP, qua đó hỗ trợ và tạo chuyển biến tích cực trong hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt. “Cuộc vận động cũng nâng cao nhận thức của DN trong việc khai thác thị trường nội địa và chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng uy tín thương hiệu”.
Từ chương trình, các hoạt động quảng bá, kết nối DN và xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam đã lan tỏa tích cực từ TPHCM đến các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với TPHCM. Cuộc vận động đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo nhân dân và toàn xã hội.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm tham quan sản phẩm Việt tại Hội nghị
Trong 10 năm qua, chương trình hành động với 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của UBND TP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định thị trường, đưa hàng Việt từng bước đến với người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu Việt phát triển ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Trần Tấn Ngời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hệ thống các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế, như hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ đối với các sản phẩm nhập khẩu... Việc này nhằm đảm bảo hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm tra chặt chẽ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình cụ thể.
Các đại biểu giao lưu, chia sẻ tại hội nghị
Giao lưu, chia sẻ về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, quận 5 Nguyễn Thị Huyền Trân cho biết trong giai đoạn đầu thực hiện, cuộc vận động gặp không ít khó khăn vì khi đó thị hiếu của người tiêu dùng ưu chuộng hàng ngoại, hàng trôi nổi giá rẻ. Trong khi đó, công tác tuyên truyền vận động chưa được mạnh mẽ nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm bắt thông tin về hàng Việt. Tuy nhiên, bằng việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp, đến nay nhận thức của tiểu thương và người dân đã chuyển biến rõ nét. Dù ở chợ truyền thống nhưng cơ cấu hàng Việt rất phong phú, đa dạng, dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp hơn. Đó là chưa kể, hình thức mẫu mã, chất lượng hàng Việt được nâng cao hơn nên khách hàng đã chọn sản phẩm hàng Việt cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của mình. Cụ thể, tại chợ Nguyễn Tri Phương trong những năm qua, sức mua của hàng Việt chất lượng cao với doanh thu luôn tăng.
Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức cho biết, hưởng ứng cuộc vận động, Saigon Co.op đã thực hiện nhiều chương trình, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, như chương trình kích cầu “tự hào hàng Việt”, được tổ chức định kỳ hàng năm. Cùng đó là việc đồng hành với doanh nghiệp, đưa hàng hóa, nông sản Việt Nam xuất khẩu. Đặc biệt, Saigon Co.op cũng có các hoạt động hướng đến lợi ích cộng đồng, bằng các chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh, từng bước hạn chế kinh doanh những sản phẩm không có lợi cho môi trường.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tặng Bằng khen của Chính phủ cho các tổ chức, cá nhân
Theo nghiên cứu khảo sát thị trường năm 2018 của Saigon Co.op, hàng Việt được người tiêu dùng đánh giá ở ba khía cạnh. Trong đó, có hơn 90% người tiêu dùng cho rằng, hàng Việt đã thay đổi mẫu mã, hình thức; hơn 90% người tiêu dùng cho biết, hàng Việt cải tiến chất lượng tốt hơn; khoảng 88% người tiêu dùng đánh giá hàng Việt có hàm lượng sáng tạo công nghệ cao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn thể hiện sự yêu nước. Do đó, trong quá trình vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt cũng đã tạo ra sức ép cho các nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Chính sự cộng hưởng này làm cho kinh tế ngày càng phát triển và khẳng định lòng yêu nước được đặt đúng chỗ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trao Bằng khen của UBND TP cho các tập thể
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong thời gian qua, nhà nước đã triển khai các nhóm giải pháp. Đó là nhóm quan hệ giữa nhà nước và DN, trong đó Nhà nước có chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, còn DN nỗ lực đầu tư. Với quan hệ này thời gian qua có nhiều tiến bộ, nhưng tỷ lệ đầu tư cho đổi mới công nghệ của DN còn rất thấp. Vì vậy, DN cần tích cực đổi mới công nghệ. Cùng với đó, trong thời gian qua, quan hệ giữa người tiêu dùng và Mặt trận, các tổ chức đã được thực hiện tốt và cần tăng cường thực hiện trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các DN tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, sản xuất ra “hàng Việt Nam chất lượng cao”, giá cả cạnh tranh và hướng đến thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cùng các cơ quan liên quan phải vào cuộc quyết liệt hơn trong đấu tranh chống hàng lậu, hàng gian, hàng giả. Cùng đó là sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các DN.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đề nghị trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục xây dựng, rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong đó xác định nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình hành động của các cấp ủy; tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các thông báo kết luận, chỉ thị của Trung ương về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục triển khai Đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư, có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thương mại khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện cho hoạt động mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ các DN về tổ chức, điều tra, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng…
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 8 tập thể; UBND TPHCM tặng Bằng khen cho 56 tập thể vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.