Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam - Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam
Văn hóa - Xã hội
(HCM CityWeb) - Ngày 12/11, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TPHCM đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”.
Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề pháp luật và trí tuệ nhân tạo nói chung, và cụ thể là thiết lập các quy định riêng rẽ về trách nhiệm pháp lý liên quan tới ứng dụng AI trong đời sống xã hội.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực với các cấp độ sử dụng khác nhau nhằm mang lại sự tối ưu và tiện lợi cho cuộc sống con người. Trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo, với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng phổ biến hơn trong hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống con người.
Các vấn đề mới mẻ phát sinh liên quan đến AI đã và sẽ tạo ra rất nhiều tình huống pháp lý mới đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp. Trong đó, trách nhiệm pháp lý là một vấn đề rất quan trọng và cần có quy định cụ thể.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước với hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học viên cao học, nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam, các nước trong khu vực và trên thế giới, như Canada, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Singapore,... đang nghiên cứu về lĩnh vực trên, cũng như đại diện của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, và nhiều cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, công ty luật, trường đại học, viện nghiên cứu khác trong cả nước.
|
TS. Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết: Những năm gần đây, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, đối tượng liên quan đến trách nhiệm pháp lý còn thiếu vắng, không chỉ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến vấn đề này.
Việc sử dụng AI nếu có thiệt hại cho các đối tượng có liên quan thì trách nhiệm pháp lý thuộc về ai? Ở mức độ nào và trong trường hợp nào. Vì vậy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các quy định của pháp luật,… đặc biệt là trách nhiệm pháp lý của những đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Hơn thế nữa, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, nhận thức rõ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và những vấn đề pháp lý liên quan, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QÐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cúu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ nghiên cứu xây dụng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Hội thảo "Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam" nhằm tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia pháp lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp... chia sẻ, trao đổi những ý tưởng, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp nhằm giải quyết thách thức, vấn đề pháp lý, từ đó góp phần hoàn thiện quy định liên quan đến trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ban tổ chức và các đại biểu hy vọng rằng những thông tin, nội dung, những vấn đề trong buổi hội thảo hôm nay sẽ giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn công việc trong việc kiến nghị với Thủ tướng, Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến các đối tượng lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo.
Hội thảo được tổ chức thành ba phiên. Chủ đề phiên thứ nhất “Tổng quan về địa vị pháp lý của trí tuệ nhân tạo & trách nhiệm pháp lý dân sự liên quan đến trí tuệ nhân tạo” đã đưa ra các nội dung tham luận về: “Các nguyên tắc cho khung pháp lý điều chỉnh trí tuệ nhân tạo” của LS. Derek Ho - Cố vấn pháp lý về Bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, Mastercard khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi và “Quyền sở hữu trí tuệ đối sáng chế liên quan đến AI và trách nhiệm sản phẩm từ kinh nghiệm pháp luật của Hoa Kỳ” của TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng Phòng Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Luật TP.HCM.
Đến với phiên thứ hai về chủ đề “Trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực kinh doanh”, hai tham luận nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi sôi nổi là “Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế và trách nhiệm bồi thường do cẩu thả tại Singapore” của GS. Gary Chan - Phó Hiệu Trưởng Đại học Quản trị Singapore (SMU) và “Trí tuệ nhân tạo và trách nhiệm dân sự: Trường hợp của phần mềm hỗ trợ quyết định và chẩn đoán y tế - Kinh nghiệm từ pháp luật Cộng hòa Pháp” của ThS. Nguyễn Phượng An - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM và ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM.
Tại phiên thứ ba, Hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề về trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu. Hai tham luận nổi bật trong chủ đề là “Trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý dữ liệu cá nhân - pháp luật Liên minh châu Âu và gợi mở cho Việt Nam” của TS. Trần Kiên - Giám đốc Trung tâm pháp luật so sánh, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) và NCS. ThS. Hồ Minh Thành - Giảng viên, Trường Đại học Luật, Đại học Huế và “Trách nhiệm pháp lý liên quan đến Trí tuệ nhân tạo đối với bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân: góc nhìn từ pháp luật Nhật Bản” của LS. Murata Tomonobu - Nishimura Asahi.
PGS. TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế nhìn nhận: Từ các tham luận về trách nhiệm pháp lý liên quan đến ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, có thể nhận thấy, không có và cũng không thể quy định một đạo luật chung nhất điều chỉnh trách nhiệm pháp lý khi ứng dụng AI. Bởi lẽ, trong mỗi lĩnh vực khác nhau, tuỳ theo mức độ ứng dụng khác nhau, trách nhiệm pháp lý của các chủ thể khi ứng dụng AI là không giống nhau. Do đó, mỗi lĩnh vực cần xây dựng các quy định chuyên biệt để điều chỉnh.
Với sự phát triển khoa học - công nghệ, pháp luật Việt Nam nói riêng và pháp luật các nước nói chung đang phải đối mặt với những vấn đề chưa từng có tiền lệ liên quan đến trách nhiệm pháp lý phát sinh từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tất cả những vấn đề này hoàn toàn chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ đó khiến cho các hoạt động liên quan đến AI gặp khó khăn và dễ xảy ra nhiều bất cập.
Hội thảo đã thành công khi tạo cơ hội để các nhà hoạt định chính sách, các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp… chia sẻ, trao đổi những ý tưởng, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức, vấn đề pháp lý.
Minh Dung
- Saigon Co.op tuyển dụng hàng ngàn lao động thời vụ phục vụ Tết (15/11)
- Triển lãm với chủ đề “Không gian di sản văn hóa Quận 1" (14/11)
- Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TPHCM lần 13 năm 2022 (14/11)
- Chung kết Cuộc thi Phiên tòa giả định – VMoot cấp Quốc gia 2022 (13/11)
- TPHCM: Khai mạc hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (13/11)
- Triển khai Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 (11/11)
- 8-11/12: Ngày hội Khinh khí cầu và Lễ hội âm nhạc Hò Dô (11/11)
- Saigon Co.op tổ chức Đại hội thành viên thường niên năm 2022 (11/11)
- Giải Marathon quốc tế TPHCM Techcombank mùa thứ 5 thu hút 14.000 vận động viên (10/11)
- Hội sách xuyên Việt chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (10/11)