title Văn hóa - Xã hội

Triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi
Thứ ba, 05/03/2019, 02:30 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) – Sáng 4/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trên cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: VGP

 

Tại đầu cầu TPHCM, tham dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; đại diện một số sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP.

 

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 26/2/2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 3/3/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh.

 

Ở nước ta, theo Bộ NN-PTNT, từ ngày 1/2 đến 3/3/2019, bệnh xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

 

Cục Thú y đã giải trình tự gene của virus dịch tả lợn châu Phi gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng virus gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.

 

Theo Bộ NN-PTNT, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn.

 

Bộ NN-PTNT cho biết, do bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người nên nhiều người chăn nuôi lợn vì lợi ích kinh tế trước mắt và vì giá lợn hơi các tháng cuối năm 2018 cao nên đã không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.

 

Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện; phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn bệnh xâm nhiễm và lây lan trên diện rộng tại địa phương. Bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên quay lưng với các sản phẩm thịt lợn an toàn và bảo đảm chất lượng.

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT có biện pháp cương quyết trong kiểm dịch vận chuyển từ khu vực các tỉnh có dịch sang khu vực các tỉnh chưa có dịch, các giải pháp về tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, cần lập chốt kiểm dịch tại các con đường độc đạo khu vực miền Trung, tại khu vực đèo Hải Vân… cấm vận chuyển heo từ Bắc vào Nam nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh lan rộng vào miền Nam.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cũng đề nghị các tỉnh tạm dừng hoạt động các vựa mua bán lợn, tránh các thương nhân hợp thức hóa nguồn gốc lợn bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc tiêu độc khử trùng các điểm dừng tắm lợn trên các quốc lộ để hạn chế lây lan dịch bệnh; chấn chỉnh công tác kiểm dịch lợn sống xuất tỉnh trong tình hình dịch bệnh có khả năng lan rộng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chống dịch như chống giặc”, chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi”.

Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời lưu ý, với đặc điểm chăn nuôi của nước ta, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ lây lan nhanh, phạm vi rộng, làm ảnh hưởng đến chăn nuôi, an sinh xã hội, môi trường sống của người dân.

Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý. Các cấp, các ngành theo chức năng được phân công cung cấp phương tiện, có biện pháp hướng dẫn, hành động kịp thời.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với mục tiêu cao nhất là cô lập, xử lý triệt để các ổ dịch, quyết liệt phòng ngừa, không để dịch tiếp tục lây lan, đồng thời xác định phương án phù hợp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cảm ơn các tổ chức quốc tế đã tham gia tích cực cùng với các cơ quan chuyên môn của Việt Nam để ngăn chặn dịch bệnh, phát triển ngành chăn nuôi.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ NN-PTNT là tổng chỉ huy, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, bảo đảm có đầy đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; duy trì, tăng cường nguồn lực cho hệ thống thú y các cấp.

Về công tác thông tin truyền thông, Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN-PTNT khẩn trương tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đúng mức, phù hợp với diễn biến tình hình để giúp người dân hiểu rõ triệu chứng, các nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cách phòng, chống bệnh; không gây hoang mang, lo lắng, từ đó tích cực tham gia công tác khống chế dịch. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục chung tay, chung sức với ngành nông nghiệp để tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Minh Thư

 

Tin mới hơn
Tin đã đưa