TRANG CHỦ / TIN TỨC

Phát triển Kinh tế số phải trở thành động lực tăng trưởng mới của Thành phố

(HCM CityWeb) – Ngày 4/12, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 34 (mở rộng). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.


 

Quang cảnh hội nghị

 

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, quá trình triển khai thực hiện Chuyển đổi số tại Thành phố có một số thách thức. Đó là, vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên trách quản trị mạng và an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước, đặc biệt tại các cấp cơ sở. Việc này dẫn đến rủi ro về đảm bảo an toàn thông tin khi toàn bộ hệ thống đã đưa lên môi trường số, dữ liệu trở thành tài sản có giá trị.

Dữ liệu số còn chưa hoàn thiện, chưa được khai thác triệt để để nâng năng lực của chính quyền và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, hạ tầng số chưa được khai thác triệt để, phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng của dữ liệu trong nâng cao năng lực chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển dữ liệu mở để xây dựng Hệ sinh thái sáng tạo giữa Nhà nước, Doanh nghiệp các trường đại học cũng như hỗ trợ các startup còn hạn chế.

Dịch vụ hành chính công trực tuyến tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng 3 mục tiêu lớn: (1) cá nhân hóa, (2) tái sử dụng dữ liệu, (3) không ranh giới địa chính.

Mặc dù kinh tế số đang tăng trưởng, nhưng đóng góp vào GRDP vẫn chưa hết tiềm năng.

Cuối cùng là một bộ phận người dân vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số, hoặc thiếu thiết bị hoặc chưa được huấn luyện kỹ năng.

Ông Lâm Đình Thắng cho biết, dự kiến sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành 01 Nghị quyết riêng về chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Việt Nam số. Dự thảo Nghị quyết này xác định Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dự thảo Nghị quyết cũng xác định một số quan điểm lớn, và đang phù hợp với hướng đi của Thành phố, như: (1) vẫn giữ 3 trụ cột Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số; (2) Chuyển đổi số dựa trên 2 nền tảng là Hạ tầng số và Dữ liệu số; (3) Tăng cường thử nghiệm có kiểm soát, và (4) An toàn, an ninh mạng. Đây cũng là những định hướng của Thành phố cần tập trung trong thời gian tới.

Do đó, việc Thành phố xác định chủ đề năm 2025 và nội dung trọng tâm trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 12 gắn với đẩy mạnh Chuyển đổi số là hoàn toàn phù hợp với định hướng và quyết tâm của Trung ương.

Mục tiêu chuyển đổi số

Từ quan điểm, định hướng trên, Thành phố đề ra mục tiêu tổng quát như sau: Thành phố giữ vững vị thế là 1 trong 3 tỉnh, thành có Chỉ số Chuyển đổi số cao nhất nước. Trong đó, Thành phố sẽ tiếp tục dẫn đầu về Hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng Dữ liệu). Hạ tầng số được đầu tư mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư (như Định hướng thảo luận: Phát triển điện sạch và kết nối nguồn điện đảm bảo nguồn cung cho các Trung tâm Dữ liệu, Trung tâm tính toán hiệu năng cao, Trung tâm AI (AI: trí tuệ nhân tạo))…

Phát triển Kinh tế số không chỉ đạt chỉ tiêu đã đặt ra là 25% GRDP vào năm 2025 và 40% GRDP Thành phố mà còn phải trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới của Thành phố, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng Kinh tế Thành phố. Chỉ tiêu vào năm 2030 của Thành phố cao hơn chỉ tiêu quốc gia 10% cho thấy khát vọng của Thành phố là rất lớn.

Đưa các hoạt động chỉ đạo, điều hành và nền hành chính của Thành phố lên nền tảng số; chỉ đạo, điều hành, báo cáo, đánh giá trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Chỉ số LOSI (Dịch vụ trực tuyến địa phương) tăng lên nhóm 50 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới (hiện nay đang xếp thứ 53).

Tập trung phát triển Cổng Dịch vụ công, các dịch vụ, tiện ích số cho người dân, và doanh nghiệp với phương châm “người dân và doanh nghiệp là chủ thể và mục tiêu phục vụ của chuyển đổi số”.

Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, trọng tâm là phát triển lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các giải pháp chuyển đổi số

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Thành phố đề ra các giải pháp triển khai thực hiện như sau:

Một là Thành ủy tiếp tục lãnh đạo toàn hệ thống chính trị tập trung cho công tác Chuyển đổi số. Người đứng đầu các cấp, các ngành là người trực tiếp chỉ đạo.

Hai là xây dựng những chính sách, cơ chế có tính vượt trội của Thành phố để thúc đẩy chuyển đổi số: bố trí ít nhất 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho chuyển đổi số (hiện nay là 1,2%); mở rộng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát từ NQ 98; ban hành một số cơ chế ưu đãi đầu tư trên lĩnh vực công nghệ số.

Ba là tiếp tục đầu tư mạnh cho hạ tầng số để duy trì vị thế dẫn đầu, tạo môi trường thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược. (Hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu, nhân lực).

Bốn là kiên trì xây dựng dữ liệu số trong cơ quan nhà nước, từ đó mở rộng cho doanh nghiệp khai thác, tạo ra giá trị tăng thêm; đẩy nhanh 8 nền tảng số chuyên ngành còn lại để hoàn thành đưa nền hành chính Thành phố lên nền tảng số trong năm 2025. Lãnh đạo Thành phố tiên phong trong chỉ đạo, điều hành và nhận báo cáo trên Hệ thống quản trị thực thi Thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong hành chính công, các lĩnh vực chuyên ngành có điều kiện nhu Giao thông, Y tế, Giáo dục.

Năm là tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho Người dân; hoàn thành mục tiêu: Định danh, cá nhân hóa; Tái sử dụng dữ liệu; Không ranh giới địa chính.

Sáu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực số cho người dân. Giao cho 1 cơ quan chủ trì, xác định chỉ tiêu cụ thể và nhiều đơn vị cùng tham gia.

Bảy là tập trung phát triển Kinh tế số bằng nhiều giải pháp, trong đó có 4 nhóm quan trọng: Chuyển đổi số các ngành trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và xây dựng ít nhất 01 Khu công nghệ thông tin tập trung mới.

Minh Thư

Từ khoá

Asset Publisher