TRANG CHỦ / TIN TỨC

TP.Hồ Chí Minh kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(Hochiminhcity.gov.vn) – Sáng 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanhtravietnam.vn

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì Hội nghị; tham dự tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải, Chánh Thanh tra Thành phố Trần Văn Bảy, đại diện các sở ban ngành Thành phố…

Thay mặt UBND TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Dương Ngọc Hải báo cáo tham luận với chuyên đề "Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng."

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong 5 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Thành ủy và UBND TP.Hồ Chí Minh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; Thành ủy, UBND Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ, không chủ quan lơ là.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải báo cáo tham luận

Với phương châm: “lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực”; luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, đặc biệt là các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp tình hình địa phương; các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn Thành phố đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và đạt được một số kết quả.

Về triển khai thực hiện các quy định phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực: Thành phố đã triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng; công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập;…

Về công tác phát hiện, xử lý tham nhũng trên địa bàn Thành phố: Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện, xử lý 14 vụ/16 trường hợp sai phạm liên quan hành vi tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị. Qua công tác thanh tra đã phát hiện và xử lý 04 vụ và 19 người có liên quan đến hành vi tham nhũng.

Đối với việc xử lý các vụ án, từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2024, Cơ quan điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh đã thụ lý 211 vụ, 562 bị can về các tội danh tham nhũng. Viện Kiểm sát nhân dân đã truy tố 132 vụ với 453 bị can. Tòa án nhân dân Thành phố đã đưa ra xét xử 133 vụ án với 257 bị can, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực Thành phố theo dõi chỉ đạo.

Công tác thu hồi tài sản cũng đạt được những kết quả tích cực. Thu hồi trong giai đoạn điều tra đạt trên 3.300 tỷ đồng; trong giai đoạn truy tố, xét xử đạt trên 17.700 tỷ đồng; trong giai đoạn thi hành án đạt gần 60.000 tỷ đồng.

Về ưu điểm, Thành ủy và UBND TP.Hồ Chí Minh đã, đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được triển khai thực hiện toàn diện. Các cấp chính quyền chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Về tồn tại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Dương Ngọc Hải cho biết, hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp và khó phát hiện. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phải là hết thực trạng tình hình tham nhũng.

Phần lớn các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện, xử lý trong thời gian qua trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh xảy ra trong thời gian rất lâu nên rất phức tạp, số lượng người có liên quan nhiều, đối tượng không hợp tác, khối lượng hồ sơ rất lớn nên để xử lý triệt để các vụ án là vấn đề hết sức khó khăn.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa tập trung vào công tác phòng, ngừa; chưa tổ chức thường xuyên, liên tục, còn thiếu chiều sâu.

Công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ tự soi, tự sửa, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu tại một số nơi chưa được quan tâm đúng mức nên chưa kịp thời phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Ngoài ra, một số chủ trương, chính sách của Đảng chưa được thể chế hóa và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định để điều chỉnh hoặc quy định chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn, dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, UBND TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể chế hóa các nội dung chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đối với công tác xác minh tài sản, thu nhập, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị cần ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập; trong đó, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; đồng thời, có quy định xác định cụ thể đối với từng hành vi kê khai, giải trình không trung thực về tài sản, thu nhập tăng thêm; hành vi kê khai không đầy đủ, không rõ ràng;...

Thành phố cũng kiến nghị sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, cần ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cũng như có hướng dẫn chung, thống nhất về kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Minh Thư

Từ khoá

Asset Publisher