TRANG CHỦ / TIN TỨC

Đề án 06 đóng góp cho phát triển kinh tế, quản lý xã hội, hỗ trợ phát triển xã hội số, chuyển đổi số

(HCM CityWeb) – Chiều 20/2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ Chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có Thiếu tướng Lê Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính - Trật tự xã hội, Bộ Công an; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức; lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TPHCM tiếp thu góp ý, ý kiến chỉ đạo của Thiếu tướng Lê Minh Hiếu và sẽ nghiên cứu triển khai thực hiện trong thời gian tới. Chủ tịch UBND TP đề nghị Bộ Công an với vai trò cơ quan thường trực tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của TPHCM cũng như của các địa phương khác để trình Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhận xét, qua 2 năm thực hiện đề án với nhiều khó khăn, TPHCM đã đạt được những kết quả rất lớn, đóng góp trực tiếp, tích cực cho phát triển kinh tế, quản lý xã hội, góp phần hỗ trợ phát triển xã hội số, chuyển đổi số.

Ông trân trọng cảm ơn lãnh đạo Trung ương, các Bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân, lực lượng trực tiếp tham gia đã có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả để triển khai nhiều nhiệm vụ của Đề án đạt hiệu quả cao trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao tặng Bằng khen cho các tập thể

Năm 2024 TPHCM xác định chủ đề là thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội. Để thực hiện chủ đề năm gắn với Đề án 06, Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp, các ngành phải bám sát các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu các cơ quan thường trực Đề án 06 và chuyển đổi số TP tổng hợp, rà soát, đề xuất ban hành Kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số năm 2024 của TP trong tháng 2; tập trung đánh giá hiện trạng, lên kế hoạch và tiến hành đầu tư hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số và Đề án 06.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan phải làm sạch dữ liệu, hoàn thiện, phát huy và khai thác cơ sở dữ liệu dân cư của Đề án 06 nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dùng; đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu.

Triển khai và vận hành ứng dụng dùng chung thống nhất cho TP trên nền tảng của Đề án 06. Trong đó tập trung cho nền tảng giải quyết thủ tục hành chính theo Đề án 06, Quyết định 422 và các mô hình, thống nhất đến cuối năm 2025 gần như tất cả các hoạt động hành chính của TP phải diễn ra trên nền tảng số.

Chủ tịch UBND TP cũng giao các cơ quan liên quan tập trung thực hiện đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế; trình HĐND TP thông qua đề xuất miễn phí dịch vụ hành chính công tại kỳ họp sắp tới.

Sở Nội vụ nghiên cứu và có đề xuất về hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo là Ban chỉ đạo Đề án 06, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính và Ban chỉ đạo Chuyển đổi số để công tác chỉ đạo, điều hành được tinh gọn, hướng đến hiệu quả hơn.

Dịp này, 2 đơn vị được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 63 tập thể và 105 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM vì đã có thành tích xuất sắc trong 2 năm triển khai, thực hiện Đề án 06 tại TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao tặng Bằng khen của UBND TP cho các tập thể

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, để đảm bảo dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống" phục vụ kết nối với các chuyên ngành khác, trong thời gian qua các sở, ban, ngành đã tăng cường phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện làm sạch, cập nhật, bổ sung, đồng bộ dữ liệu các chuyên ngành với các Cơ sở dữ liệu quốc gia như: Phối hợp xác minh hơn 3,9 triệu hồ sơ tiêm chủng phục vụ cập nhật lên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; đồng bộ 12,8 triệu lượt dữ liệu hộ tịch, tư pháp của Thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, làm sạch 36.899 trường hợp bị sai lệch dữ liệu nguồn Bảo hiểm xã hội…

TP đã ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện 20 mô hình điểm Đề án 06 phục vụ chuyển đổi số tại TPHCM, kế hoạch triển khai đợt 2 các mô hình điểm tại Đề án 06 với tổng 35 mô hình. Đến thời điểm hiện nay, TPHCM đã triển khai có hiệu quả 17/35 mô hình, trong đó có một số mô hình đã phát huy hiệu quả tốt khi được triển khai thực tế. Ngoài ra, TP còn chủ động nhân rộng các mô hình điểm triển khai đến các sở, ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức nhằm đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp thông qua thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Số lượng thủ tục hành chính đã cung cấp trên Hệ thống thông tin thủ tục hành chính TP là 276 dịch vụ công trực tuyến một phần và 464 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Đối với thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 năm phát sinh hồ sơ của 10/11 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực của Công an; 12/14 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực của các sở, ngành; 2/28 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Quyết định số 422.

Liên quan đến phát triển công dân số, TP đã thu nhận được hơn 7,6 triệu hồ sơ cấp thẻ CCCD có gắn chip và hơn 5,5 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2.

Công tác tuyên truyền về các nội dung của Đề án 06 được quan tâm triển khai thực hiện qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về công tác phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử và công cuộc Chuyển đổi số.

TP thường xuyên rà soát, nhận diện các “điểm nghẽn” về hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, yêu cầu kỹ thuật; trình độ cán bộ, nguồn nhân lực; quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp, thông qua đó các đơn vị đã nhận thức được tầm quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án 06, là nền tảng tiền đề phục vụ chuyển đổi số quốc gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP.

Quang cảnh hội nghị

Minh Thư

Từ khoá

Asset Publisher