TRANG CHỦ / TIN TỨC

Công tác đối ngoại góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của TP.Hồ Chí Minh

(Hochiminhcity.gov.vn) – Sáng 13/12, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025.


 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự hội nghị có ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh; ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, sở ngành TP.Hồ Chí Minh…

Mục tiêu đưa TP.Hồ Chí Minh là Thành phố của các sự kiện

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá, Hội nghị hôm nay không chỉ là một hoạt động tổng kết thông thường mà còn là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện trách nhiệm của TP.Hồ Chí Minh trong việc thực hiện và đóng góp vào đường lối đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước. Hội nghị không chỉ là cơ hội để đánh giá và nhìn lại toàn diện công tác đối ngoại của Thành phố trong 5 năm qua, mà còn mang ý nghĩa định hướng, khi những nội dung, sáng kiến thu được từ Hội nghị sẽ được chắt lọc và đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ XII, góp phần hoàn thiện và triển khai chiến lược đối ngoại của Thành phố trong giai đoạn mới.

TP.Hồ Chí Minh, với tinh thần linh hoạt và đổi mới, đã khẳng định vị trí dẫn đầu và luôn tiên phong triển khai thành công nhiều sáng kiến chiến lược quan trọng, như thúc đẩy hợp tác kinh tế xanh, phát triển đô thị thông minh, và mở rộng giao lưu văn hóa. Những nỗ lực này không chỉ giúp Thành phố vượt qua các thách thức toàn cầu mà còn tạo nên những dấu ấn sâu sắc, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Thành phố như một trung tâm hợp tác quốc tế hàng đầu.


 

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin kết quả công tác đối ngoại của TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025

Trong 5 năm qua, Thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật về công tác đối ngoại. Thành phố đã xác lập mối quan hệ kết nghĩa với 58 địa phương, hoàn thành tốt Đề án thúc đẩy quan hệ giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam, tạo đà để Thành phố thu hút nguồn lực mạnh mẽ từ quốc tế.

Ở trụ cột ngoại giao kinh tế, nhiều điểm sáng đã được các đại biểu nhắc đến trong tọa đàm. Một dấu ấn đậm nét của ngoại giao kinh tế, đó là trong Đại dịch Covid-19 vừa qua, TP.Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò chủ động, tích cực của đối ngoại trong huy động các nguồn lực hỗ trợ kiểm soát Đại dịch. Sở Ngoại vụ đã chủ trì tham mưu UBND Thành phố kết nối với cơ quan đại diện các nước tại TP.Hồ Chí Minh, tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, từ đó nhận được sự hỗ trợ kịp thời những đóng góp bằng cả về hiện vật và hiện kim, các thiết bị y tế thiết yếu từ khắp mọi nơi trên thế giới, góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng kiểm soát đại dịch.

Thành phố đã chủ động đề xuất tổ chức các mô hình hợp tác như trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai mô hình Nhóm Công tác chung TP.Hồ Chí Minh - Ngân hàng Thế giới nhằm xác định những hoạt động, dự án hợp tác ưu tiên liên quan đến mục tiêu phát triển của Thành phố và phối hợp huy động nguồn lực cho các hoạt động, dự án này.

Thành phố cũng đẩy mạnh hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bằng sự ra đời Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP.Hồ Chí Minh với quy mô, tầm vóc và nội hàm hoạt động phục vụ cho cả nước dưới sự theo dõi, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2025 cũng sẽ đánh dấu việc Thành phố nâng tầm quy mô tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.Hồ Chí Minh với sự tư vấn từ WEF và các đối tác lớn thế giới. Công tác ngoại giao kinh tế không chỉ khơi dậy, tranh thủ ngoại lực mà còn tận dụng nội lực bên trong để củng cố phát triển các mục tiêu chiến lược của thành phố.

Về trụ cột văn hóa, nhiều sáng kiến mới đã được triển khai, đặc biệt Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành thúc đẩy và tổ chức các hoạt động nhằm mục tiêu đưa TP.Hồ Chí Minh là Thành phố của các sự kiện. Các hoạt động như Lễ hội Áo dài, Tết Việt, Lễ hội Sông nước, Hò Dzô, Teqball thế giới 2024 và các sự kiện quốc tế gần đây đã góp phần nâng cao vị thế TP.Hồ Chí Minh, thúc đẩy sự hội nhập văn hóa toàn cầu.

Trong giai đoạn tới, TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ số và đổi mới nội dung trong truyền thông đối ngoại, đồng thời khai thác tiềm năng của công nghiệp văn hóa và thể thao để tăng sức hút đối với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung bảo tồn các giá trị di sản, phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành trung tâm văn hóa năng động hàng đầu khu vực.

Tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển bền vững

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan nêu một số nội dung trọng tâm cần tập trung. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, công tác đối ngoại cần tiếp tục bám sát chủ trương "độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa" và đặt trọng tâm vào việc tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần cụ thể hóa các nhiệm vụ mới, làm rõ các ưu tiên chiến lược để tăng cường vị thế đất nước và góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực và thế giới. Chúng ta cần gì để làm sắc nét hơn các định hướng này một cách cụ thể cho Thành phố?

Đối với giải pháp cụ thể cho từng mảng hoạt động đối ngoại, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị từng lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại nhân dân và bảo hộ công dân cần có các giải pháp riêng biệt, phù hợp với đặc thù hoạt động và đối tượng triển khai. Làm thế nào để tăng cường hiệu quả hợp tác kinh tế đối ngoại? Làm thế nào để phát huy hơn nữa vai trò của ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và Thành phố? Chúng ta cần một cách tiếp cận mới nào để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ yêu cầu phát triển của Thành phố và từ các đối tác và bạn bè quốc tế?

Về tư duy, cách tiếp cận mới về lực lượng tham gia đối ngoại, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng, hoạt động đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đa tầng, đa nấc. Đặc biệt, cần làm rõ vai trò và sự tham gia của các lực lượng mới như cộng đồng doanh nghiệp, học giả, trí thức trẻ và các tổ chức hội - đoàn hoặc làm sao để tăng cường đào tạo và phát huy hiệu quả của đội ngũ cán bộ đối ngoại trong cả hệ thống chính trị và xã hội?

Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan trong và ngoài nước là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại. Các cơ chế hiện tại đã đáp ứng đủ chưa, hay cần cải tiến để tăng tính kết nối, linh hoạt và thống nhất? Vai trò của các địa phương và các cơ quan đại diện ở nước ngoài cần được phát huy như thế nào?

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị Hội nghị thảo luận và tìm ra các giải pháp phù hợp, đồng thời sẽ nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi để cùng chung nhận thức và hành động, hoàn thiện phương hướng công tác đối ngoại của Thành phố trong thời gian tới, đáp ứng được các yêu cầu mới, đảm bảo Thành phố tiếp tục vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.

Bước vào giai đoạn 2025-2030 cần tiếp tục giữ vững tinh thần “sáng tạo không ngừng, đổi mới không nghỉ”, coi công tác đối ngoại như một hành trình đầy thú vị, nơi mỗi thách thức là một “cơ hội cải tiến” và mỗi thành tựu là một “trái ngọt” mà chúng ta gặt hái từ sự nỗ lực chung. Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan tin rằng, TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là một trong những địa phương tiên phong của cả nước trong công tác đối ngoại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trước hội nghị, Sở Ngoại vụ TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức bốn tọa đàm về các trụ cột ngoại giao nhằm ghi nhận, chuẩn bị các giải pháp, đề xuất thiết thực, sâu sát đóng góp cho Hội nghị chính. Tại các tọa đàm, lãnh đạo Sở ngành, các tổ chức, chuyên gia, cơ quan lãnh sự đã cùng ngồi lại để thảo luận, phân tích những vấn đề còn tồn đọng cũng như đóng góp phương án để đẩy mạnh ba trụ cột ngoại giao chính trị - ngoại giao kinh tế - ngoại giao văn hóa.

 

Minh Thư

Từ khoá

Asset Publisher