TRANG CHỦ / TIN TỨC

TPHCM quyết tâm tháo gỡ khó khăn, không làm phụ lòng doanh nghiệp

(HCM CityWeb) - Ngày 17/2, TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đã đạt 9,03% cao hơn chỉ tiêu TP đặt ra là 6-6,5% và cao hơn GDP trung bình cả nước là 6%. Những chỉ tiêu về thu ngân sách, giải quyết việc làm an sinh xã hội đều đạt hiệu quả cao. Thành quả này là sự tham gia đồng bộ, nhịp nhàng có trách nhiệm của các sở - ngành TP, địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên cuối năm 2022 tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá toàn diện lên hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thông tin không khả quan đã được gửi đến chính quyền TP, đòi hỏi TP phải có giải pháp tháo gỡ, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng của TPHCM.

Trên cơ sở đó, buổi gặp gỡ lắng nghe ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, giúp lãnh đạo TP, sở - ngành TP hiểu rõ hơn về những khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp để TP tập trung giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị

Khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp TP cuối năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước đó. Tín hiệu kém lạc quan trong các lĩnh vực xuất hiện như xuất khẩu, đầu tư và bất động sản cho thấy doanh nghiệp đang có dấu hiệu khó khăn, hàng tồn kho tăng, dấu hiệu suy giảm của thị trường nước ngoài.

Về lực lượng lao động, thông tin cho thấy có dấu hiệu một số doanh nghiệp đang cho người lao động làm việc thay phiên hoặc nghỉ tết dài ngày. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ. Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II năm 2022 xuống còn 65% của quý này. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (Châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý IV năm 2022 và quý I năm 2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới. Cụ thể: Đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35 - 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là: nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất cuối năm 2022.

Riêng với ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài). Cụ thể: 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Trong lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và đi vào suy thoái. Thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng và có khả năng kéo dài.

Đối với ngành vật liệu xây dựng, kim ngạch xuất khẩu cũng sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau.

Ngoài ra, do biến động trái phiếu và việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế thiếu tính thanh khoản; nhà đầu tư có dấu hiệu bị suy giảm niềm tin vào một số ngân hàng nên khả năng huy động vốn sụt giảm...

Chia sẻ cụ thể về tình hình khó khăn doanh nghiệp hiện nay, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM Lý Kim Chi, đại diện các doanh nghiệp ngành hàng lương thực thực phẩm cho biết, trong bối cảnh với những tác động từ khủng hoảng kinh tế chính trị thế giới và hậu quả của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Không chỉ doanh nghiệp lớn mà còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay cả người bán buôn, bán sỉ và bán lẻ đa số cảm nhận chưa khi nào làm ăn khó khăn như lúc này.

Theo bà Lý Kim Chi, với lãi suất cho vay trên 10% như hiện nay thì để tồn tại và duy trì hoạt động doanh nghiệp cũng đã rất áp lực, cố gắng cân đối để đảm bảo tốt công ăn việc làm cho người lao động chứ chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi. Hàng loạt các chi phí đầu vào khác đang tăng đáng kể như điện, nước, nguyên nhiên liệu… càng gây áp lực lên doanh nghiệp. Bà Chi cũng nêu thực trạng, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã chuyển nhượng, hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài... 

Kiến nghị về Chính sách của Nhà nước và với TPHCM

Với tình hình thực tế hiện doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa thay mặt các doanh nghiệp TP gửi đến hai kiến nghị lớn là kiến nghị về Chính sách của Nhà nước và kiến nghị với TP cần nhanh chóng thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Đối với kiến nghị Chính sách của Nhà nước là cần hỗ trợ vốn, tín dụng. Hệ thống ngân hàng hiện siết chặt các điều kiện cho vay với mức an toàn cao cho ngân hàng, định giá trị tài sản thế chấp thấp, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp bị kéo thấp xuống, yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp đối với các hợp đồng đã cho vay. Bên cạnh đó, lãi suất vay cao trên 10%/năm là cản trở lớn, gây là khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn; đồng thời sớm công bố thông báo hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.

Với thị trường trái phiếu và tài chính, kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ. Các trái phiếu của tài sản đảm bảo và có kỳ hạn 1 năm trở xuống được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm trở lên được gia hạn 18 tháng.  Do niềm tin của các trái chủ bị lung lay nên kiến nghị Nhà nước cần ban hành chính sách trên giúp ổn định thị trường tài chính.

Về chính sách thuế, kiến nghị Chính phủ tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt... cũng cần được xem xét miễn, giảm. Kiến nghị Chính phủ cần sửa đổi luật thuế xuất nhập khẩu không để tình trạng nhập nguyên thiết bị máy móc thì thuế nhập khẩu 0%-10% hoặc miễn thuế, trong khi chế tạo máy trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng thì có thuế nhập khẩu lên đến 15% như hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển.

Đối với TPHCM, doanh nghiệp kiến nghị TP cần cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ hoặc quy định nghiêm ngặt về thời gian; tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp chủ quyền đất đai, nhà xưởng (thuê hoặc mua), hoàn công để doanh nghiệp, người dân có chủ quyền đất thế chấp vay ngân hàng đưa vào sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị TP cần xem xét triển khai lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư đã từng thực hiện trước đây nhằm tạo điều kiện nâng cao khả năng đầu tư phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ chương trình để chương trình có hiệu quả lan tỏa trên mọi lĩnh vực, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.

Cùng đó, doanh nghiệp kiến nghị TP xem xét chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp chưa sử dụng để hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp vì hiện doanh nghiệp đang thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh. Xem xét lại chính sách cho thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp giá trị đất thuê và tài sản trên đất thuê để vay ngân hàng. Các chính sách cho thuê đất trong khu nông nghiệp công nghệ cao (đặc biệt là hình thức cho thuê đất trả tiền một lần hay trả tiền hàng năm) cũng cần xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình đầu tư thực tế của doanh nghiệp và đồng bộ với các quy định khác của TP.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị TP nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng; quảng cáo, quảng bá kinh doanh; quy hoạch, xây dựng, đất đai; chuyển đổi số và công nghiệp hỗ trợ... 

Quyết tâm không làm phụ lòng doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp. Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, TPHCM có thể vực dậy, bật lên sau đại dịch Covid-19 với đà tăng trưởng mạnh mẽ là nhờ sự đồng lòng, đoàn kết của toàn TP, của cộng đồng doanh nghiệp TP.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá cao TP tổ chức hội nghị lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp với nhiều ý kiến xác đáng, cụ thể, thẳng thắn, chân thành.

Trước các đề xuất, kiến nghị liên quan đến thẩm quyền của Trung ương, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, TP tiếp thu đầy đủ và sẽ tiếp tục đề xuất kiến nghị. Còn với những vấn đề của TP mà doanh nghiệp đặt ra như về thủ tục, vốn vay, lãi suất... thì TP phải nỗ lực để khắc phục nhanh và ngay, và với những vấn đề phát sinh mới thì TP sẽ xem xét tháo gỡ trong thẩm quyền.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, khi các sở - ngành TP nói đã làm hết sức nhưng doanh nghiệp nói vẫn gặp khó, chứng tỏ sự nỗ lực đó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Bí thư đề nghị, mỗi sở - ngành TP cần soi lại mình, soi lại từng việc đã làm, những cái đã làm để đề ra những việc mới, cách làm mới. Những việc nào cần làm, phải làm thì phải làm sớm... để khắc phục nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.

“Từng doanh nghiệp đề xuất cụ thể, rõ ràng trong từng lĩnh vực và TP sẽ tổ chức thực hiện chỉ đạo trong thời gian tới với quyết tâm không làm phụ lòng doanh nghiệp”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu, trong mọi hoạt động liên quan đến cải cách hành chính cần công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền, cam kết ai không làm đúng, làm tốt cần bị xử lý. Mỗi người làm đúng và làm tốt công việc của mình.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, thủ tục hành chính cần phải tối giãn, ngắn ngọn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Càng khó khăn, các sở - ngành TP cần phải đồng hành, thấu hiểu, thấu cảm, chia sẻ, lắng nghe nhiều hơn.

Các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình cho vay kích cầu... trong bối cảnh mới, cơ chế mới, có sự chia sẻ của doanh nghiệp; làm mới hơn các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hình ảnh của các doanh nghiệp trong cộng đồng.

Cùng đó, phải tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, trang bị đầy đủ kiến thức cho hướng dẫn viên; xây dựng môi trường sống, môi trường văn minh, hiện đại, an ninh trật tự để du khách đến TPHCM thật sự yên tâm khi đi ngoài đường phố.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị, UBND TP cần có quy chế phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội các doanh nghiệp, bằng trách nhiệm, chia sẻ, sáng tạo để vượt qua khó khăn.

Tăng cường, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thay mặt UBND TPHCM, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan bày tỏ sự trân trọng tiếp thu tất cả ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên và cũng thay mặt lãnh đạo TP trân trọng tiếp thu tất cả ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị.

Đối với những vấn đề nêu ra hôm nay, Phó  Chủ tịch Võ Văn  Hoan cho rằng đó là tập hợp tất cả những vấn đề rất chung, toàn diện và cần phải cụ thể hóa. Do đó, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu HUBA tập hợp, tổng hợp lại tất cả những kiến nghị cụ thể của từng doanh nghiệp gửi UBND TP. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ chỉ đạo, giao các sở - ngành TP trực tiếp tháo gỡ, giải quyết cụ thể.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng yêu cầu các sở - ngành TP nào có liên quan với những kiến nghị chung và cụ thể nêu ra hôm nay thì cần chủ động mời từng nhóm hoặc mời từng doanh nghiệp cụ thể để nghe, giải quyết cho từng trường hợp.

Đối với những nội dung có liên quan đến Chính sách của Nhà nước, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu cần tập hợp lại để TP báo cáo, kiến nghị. Về những nội dung góp ý có tính chất chiến lược dài hạn, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị các ngành, đặc biệt ngành Công thương cần xem xét đưa vào các đề án phát triển ngành lĩnh vực và đặc biệt tranh thủ thời gian để bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực đó.

Về hoạt động công vụ, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan thừa nhận, hiện nay TP làm chưa tròn, nỗ lực thì có nhưng trách nhiệm chưa tròn, sợ trách nhiệm còn đùn đẩy. Phó Chủ tịch đề nghị các sở - ngành TP cần nên tập trung khuyến khích cán bộ, nghiên cứu đề xuất những ý kiến để khắc phục tình trạng pháp luật thì nhiều nhưng chồng chéo, pháp luật không có để chi phối, thủ tục phức tạp...; nâng cao tinh thần trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ công chức.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan thông tin và chia sẻ thêm, TPHCM tuần tới sẽ tiếp tục gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt có hội nghị đối thoại và kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp ngân hàng với cộng đồng doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác tại TPHCM. Hiện TP cũng đang có kế hoạch yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và làm việc với các nhóm doanh nghiệp hiện đang có nhu cầu vay vốn và thực hiện chính sách tại ngân hàng của mình và xác định đủ điều kiện tổ chức cho vay và thực hiện chính sách đó. Dự kiến, TP tuần tới sẽ công bố danh mục này.

“Như vậy, kế tiếp cuộc gặp gỡ này sẽ có sản phẩm cụ thể, doanh nghiệp cụ thể với lượng vốn cụ thể với mức lãi suất cụ thể để có thể triển khai thực hiện bổ sung, phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết.

 

Thanh Mai

Từ khoá

Asset Publisher