Asset Publisher

Xử lý nghiêm người cung cấp nếu thông tin vi phạm giao thông có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch

TRANG CHỦ / TIN TỨC

Xử lý nghiêm người cung cấp nếu thông tin vi phạm giao thông có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch

Sau hơn 1 tuần triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP, Công an TP. HCM đã tiếp nhận 87 thông tin hình ảnh phản ánh về vi phạm trật tự an toàn giao thông và đang trong quá trình thông báo xác minh, xử lý.

Đó là nội dung được Thượng tá Lê Văn Hải - Phó Trưởng Phòng Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08), Công an TP. HCM thông tin tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Công an TP. HCM chưa tiếp nhận thông tin tố cáo tiêu cực, tống tiền

Đại diện Công an TP cho biết, Nghị định số 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.

Theo đó, tại khoản 11 của Điều 5 có quy định về việc “Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.”

Về mức chi, tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này quy định rõ: “Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc.”

Tuy nhiên, hiện nay Phòng PC08 chưa thực hiện việc chi trả do đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Công an.

Theo Thượng tá Lê Văn Hải - Phó Trưởng Phòng Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08), hiện tại, cơ quan công an chưa tiếp nhận những thông tin phản ánh hay tố cáo về việc tiêu cực liên quan như tống tiền người vi phạm; bị đánh khi đi quay vi phạm giao thông. Ảnh: LINH NHI.

Thượng tá Lê Văn Hải cũng cho hay, đến thời điểm này, Phòng PC08 chưa nhận được những thông tin phản ánh hay tố cáo về việc tiêu cực liên quan như tống tiền người vi phạm hay bị đánh khi đi thu thập hình ảnh vi phạm giao thông.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, Công an TP khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tham gia giao thông văn minh, lịch sự. Đối với người dân cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông phải đảm bảo việc thu thập thông tin không gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân và tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh của công dân nơi công cộng.

Mặt khác, nếu thông tin có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch thì người cung cấp thông tin sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

 

Chỉ rẽ phải khi đèn đỏ nếu giao lộ có biển báo phụ cho phép 

Cũng tại họp báo, Phó trưởng ban chuyên trách - Ban An toàn giao thông TP.HCM - Nguyễn Thành Lợi cho hay, Nghị định 168 của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với “người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”. Như vậy, khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang đỏ, tất cả các phương tiện giao thông đều không được di chuyển, kể cả rẽ phải. 

Phó trưởng ban chuyên trách - Ban An toàn giao thông TP.HCM - Nguyễn Thành Lợi thông tin tại họp báo. Ảnh: LINH NHI.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, tại TP.HCM, để tránh việc ùn tắc, tại một số giao lộ, việc các phương tiện được rẽ phải khi đèn đỏ được lực lượng chức năng đánh giá không ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Do đó, đèn tín hiệu tại những giao lộ này có thêm biển báo phụ.

Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện khi giao lộ có biển báo hoặc được sự cho phép người điều khiển giao thông. Còn tại các khu vực khác trên địa bàn TP, việc rẽ phải khi đèn tín hiệu chuyển đỏ là không đúng quy định.

Theo TTBC

Từ khoá

Asset Publisher