Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Hoạt động của Lãnh đạo Thành phố.
(HCM CityWeb)-Chiều 1/12, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 10 mở rộng, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình làm việc. Ảnh Việt Dũng
Hội nghị tập trung cho ý kiến về các vấn đề: Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TPHCM năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2021-2025; Nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM, trong năm 2021, thành phố chịu tác động nghiêm trọng của đợt dịch lần thứ 4. Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách triệt để (quý 3), tốc độ tăng trưởng của thành phố giảm sâu, giảm hơn 24% so với cùng kỳ. Điều này làm các chỉ tiêu kinh tế của thành phố trong năm giảm mạnh. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước giảm 10,04%; khu dịch vụ ước giảm 3,53% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm đến 15,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 5,5%; số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm gần 27,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, như kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch ngập khẩu ước tăng 24,9%; tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước tăng 7,5%. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 300.437 người (đạt 101,1% kế hoạch), thu hút nước ngoài đạt khoảng 5,8-6 tỷ USD (tăng gần 11%), lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD (tăng gần 9%). Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 362.040 tỷ đồng, đạt 99,22%. Hiện TPHCM đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt 100% dự toán năm.
Theo Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM, kinh nghiệm, năng lực ứng phó với dịch Covid-19 được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân giảm sút. Thực tế cho thấy nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế nếu không kiểm soát được dịch bệnh để mở cửa lại kinh tế.
Dù vậy, năm 2022 thành phố có điều kiện, lợi thế để từng bước khôi phục kinh tế trong năm 2021 là tỷ lệ người dân đã tiêm vaccine cao. Độ phủ vaccine của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng được nâng lên đáng kể, tạo điều kiện cho việc giao thương, phân phối sản phẩm, hàng hóa giữa các vùng, miền được thông suốt. Điểm đáng lưu ý nữa, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM tăng từ 18% lên 21% cũng tạo tiền đề và nguồn lực để thành phố phát triển.
Từ đó, Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022. Đó là việc phát triển kinh tế trên cơ sở “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19” bằng việc nâng cao năng lực y tế; thực hiện nhóm giải pháp cấp bách cho giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội ...
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc. Ảnh Việt Dũng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh hai nhóm vấn đề: kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, cuối tháng 9-2021, TPHCM đã từng bước kiểm soát dịch Covid-19 để bước sang trạng thái “bình thường mới”, nhưng thành phố đã gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhiều người đã không thể vượt qua, các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quý I-2021, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố phát triển khá đồng đều và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,58%. Đến 6 tháng đầu năm thì bắt đầu chững lại và cuối năm 2021, kinh tế - xã hội sụt giảm nghiêm trọng.
Theo dự toán, năm nay có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán. Dù vậy vẫn có một số điểm sáng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước đến cuối năm có thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu.
Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đưa ra những phân tích, nhận định, dự báo cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu. Ảnh Việt Dũng
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá, kế hoạch này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi nó quyết định thành công việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM.
“Việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch nói trên, chúng ta có một khuyết điểm là chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động không thiếu, song tổ chức thực hiện luôn là khâu yếu”, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá và yêu cầu các đại biểu hiến kế cách thức triển khai, thực hiện sao cho hiệu quả, đồng bộ, đi vào thực tiễn.
NTH (tổng hợp)
- Khai mạc ngày hội du lịch TPHCM lần thứ 17 năm 2021 (05/12)
- Phục hồi du lịch, phát triển kinh tế TPHCM (04/12)
- Quận Phú Nhuận ra mắt Văn phòng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (03/12)
- Ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19, phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP từ 6-6,5% (03/12)
- 500 gian hàng tại Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh thành 2021 (02/12)
- Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tiếp Tân Đại sứ Áo (30/11)
- TPHCM sẵn sàng hợp tác với các đối tác thuộc tiểu vùng sông Mekong để thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực này (30/11)
- Chủ tịch UBND TPHCM tiếp Giám đốc Ngân hàng Thế giới (30/11)
- Vinh danh các Nhà giáo ưu tú và trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 24 (29/11)
- Tuyên dương 97 tập thể, 101 cá nhân điển hình "Dân vận khéo" 2021 (28/11)