title Văn hóa - Xã hội

Tiếp tục góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Thứ bảy, 11/03/2023, 15:30 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

(HCM CityWeb) - Sáng 11-3, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.

TS Phạm Quý Tỵ Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS Phạm Quý Tỵ - Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá Luật Đất đai “là một luật khó và quan trọng, thậm chí chỉ sau Hiến pháp”. Luật Đất đai giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách quy định trong rất nhiều luật khác nhau, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Vì vậy, việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai và đưa đất đai phát triển là nội dung hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hệ thống hóa các Nghị quyết của Đảng.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn pháp lý để trao đổi những vấn đề lý luận, những quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật đất đai, được kỳ vọng đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Từ đó, đưa ra những đánh giá về các ưu điểm, những hạn chế, bất cập của Luật Đất đai hiện hành, đồng thời đề xuất các giải pháp bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, của BCHTW Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả, góp phần hoạch định chính sách pháp luật về đất đai.

Toàn cảnh Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

 

Các báo cáo tham luận đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khẳng định, quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất lớn trong việc khai thác, sử dụng và quản lý đất đai. Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước có nhiều thay đổi, do đó Quốc hội đang có chủ trương xây dựng và ban hành Luật Đất đai mới là hoàn toàn cần thiết.

Các tham luận đã đóng góp ý kiến các nhóm vấn đề liên quan đến Chính sách của Đảng và Nhà nước về đất đai; Sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm công khai, minh bạch, khắc phục sự bất hợp lý trong thu hồi đất; Đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Quy định về thanh tra trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);...

PGS.TS Phạm Hữu Nghị - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội - cho rằng dự thảo Luật Đất đai cần các quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần cụ thể hơn, chặt chẽ hơn.

Theo đó, cần quy định về các nguyên tắc và lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

"Vừa rồi, điều chỉnh quy hoạch hết sức tùy tiện. Không thể điều chỉnh quy hoạch vô tội vạ như thế, phải có nguyên tắc điều chỉnh, phải có trình tự, thủ tục của điều chỉnh. Và không để cơ quan phê duyệt quy hoạch nào thì có quyền điều chỉnh quy hoạch ấy mà phải trên một cấp để kiểm soát" - PGS.TS Phạm Hữu Nghị nói.

Với bài tham luận “Đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, TS Lê Sơn Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết đất đai trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn là nội dung nhạy cảm, dễ phát sinh các vấn đề phức tạp, tiêu cực, như: tranh chấp, khiếu kiện đông người kéo dài, lấn chiếm đất công… Trong những năm qua, mặc dù đã triển khai, thực hiện nhiều chính sách, pháp luật hỗ trợ về đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tuy nhiên đến nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết triệt để.

TS Lê Sơn Hải cho rằng cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ về đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. theo ông Hải, quy định tại Điều 17 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn “khá chung chung, khó thực hiện”…TS Lê Sơn Hải chỉ rõ cần nghiên cứu, bổ sung thêm khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2013 quy định về nguồn lực để thực hiện các nội dung tại khoản 1, khoản 2 của Điều này; hoặc quy định Chính phủ quy định chi tiết Điều 27, theo hướng đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nội dung tại khoản 1, khoản 2 Điều 27.

Với những ý kiến đóng góp đa dạng, cung cấp nhiều cơ sở cho tình hình thực tiễn; Hội thảo đi đến kết thúc với những thảo luận, kiến nghị có giá trị đóng góp vô cùng thiết thực, là cơ sở quan trọng góp phần cho việc hoàn thiện những quy định của pháp luật về quy chế sử dụng đất đai.

Minh Dung

 

 

 

 

 

Tin mới hơn
Tin đã đưa