TRANG CHỦ / TIN TỨC

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo là yêu cầu cấp thiết

(Hochiminhcity.gov.vn) - Sáng ngày 4/1, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) phối hợp với Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội tổ chức hội thảo “Pháp luật về trí tuệ nhân tạo (AI).”

Toàn cảnh hội thảo
 

Tại hội thảo, GS.TS Phan Trung Lý - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng ở Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang từng bước đi vào đời sống con người, ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia.

Giáo sư cho biết trong báo cáo chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Chính phủ do Oxford Insight thực hiện năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 5/10 trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng AI để vận hành và cung cấp dịch vụ, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Bên cạnh những mặt tích cực, AI cũng đã có những tác động tiêu cực, làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về các rủi ro tiềm ẩn từ các khía cạnh đạo đức, xã hội, pháp lý…

Ngoài ra, AI đã và đang bị sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đang đặt ra cấp thiết.

Theo GS Phan Trung Lý, cần tạo ra khung pháp luật thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI. Cụ thể là Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng hệ thống AI đáng tin cậy và lấy con người làm trung tâm, khuyến khích các công ty vừa và nhỏ trong việc cung cấp hệ thống AI tham gia cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.

Theo PGS-TS Lê Bộ Lĩnh, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, một trong những vấn đề pháp lý đầu tiên liên quan đến AI là quyền sở hữu trí tuệ. Trong quá trình phát triển AI, việc tạo ra các thuật toán, mô hình, và dữ liệu huấn luyện là rất quan trọng. Tuy nhiên, các quy định hiện tại về sở hữu trí tuệ chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ.

Việc xác định ai là người sở hữu bản quyền các sản phẩm do AI tạo ra khá phức tạp. Nếu một AI tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hay một chương trình phần mềm, thì câu hỏi đặt ra là liệu AI hay người lập trình ra AI đó có quyền sở hữu đối với sản phẩm này? Những quy định hiện hành có thể không hoàn toàn phù hợp, dẫn đến những tranh chấp tiềm ẩn trong tương lai".

Trên thế giới, vấn đề này cũng đang thu hút sự quan tâm lớn từ các tổ chức và quốc gia. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hiện đang tiến hành nghiên cứu và thảo luận về các giải pháp pháp lý nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm sáng tạo từ AI được bảo vệ mà không làm mất đi quyền lợi của các nhà phát triển công nghệ. Một số quốc gia như Anh và Nhật Bản đã bắt đầu đưa ra các đề xuất về việc điều chỉnh luật sở hữu trí tuệ để thích ứng với sự phát triển của AI, mặc dù vẫn chưa có giải pháp hoàn chỉnh và nhất quán trên toàn cầu…

PGS-TS Lê Bộ Lĩnh, nhận định: "Việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và đầy đủ để xử lý trách nhiệm pháp lý trong bối cảnh AI là hết sức cần thiết nhưng cũng rất khó khăn. Việt Nam cần tham khảo những kinh nghiệm từ các quốc gia khác để có thể xây dựng một hệ thống luật pháp phù hợp và thống nhất. Vấn đề đạo đức và hội nhập trong phát triển AI cũng cần được quan tâm. Cần có một bộ tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng và minh bạch để đảm bảo rằng công nghệ này được phát triển và ứng dụng một cách công bằng và có trách nhiệm".

Minh Dung

Từ khoá

Xuất bản thông tin