Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(HCM CityWeb) - Sáng ngày 13/5 tại TPHCM, Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội thảo về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024.
Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc phát biểu |
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ có cơ sở pháp lý, đó là luật ra đời từ năm 2017, mà còn có cả cơ sở chính trị mà cụ thể là Nghị quyết số 41-NQ/TW. Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Về lâu dài, Nghị quyết số 41-NQ/TW đặt ra những yêu cầu để doanh nghiệp và Nhà nước được đồng hành cùng nhau trên con đường cùng phát triển kinh tế xã hội, xác định rất rõ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp vừa là lợi ích quốc gia vừa là xuất phát điểm của kinh tế xã hội.
Vì vậy vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp bởi những rủi ro pháp lý vẫn luôn tồn tại khi doanh nghiệp tham gia thị trường. Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài.
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đã ban hành nhiều thể chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn, thách thức trong tiếp cận hệ thống pháp luật, nguồn lực con người, kinh phí.
Đại biểu đề xuất ý kiến tại hội nghị |
Các doanh nghiệp chưa tập trung cho vấn đề phòng ngừa rủi ro mang tính chất pháp lý; chưa tập trung sử dụng quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực tuy nhiên hiệu quả, phạm vi, tác động đến doanh nghiệp còn hạn chế.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận pháp luật cũng như đề xuất các giải pháp để hỗ trợ pháp lý hiệu quả hơn cho loại hình doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Chung, Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết những năm gần đây, cả nước khuyến khích phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thường là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này không có điều kiện nhân sự, tài chính để tổ chức ban pháp chế. Do đó, đây là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ pháp lý nhiều nhất. Trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật liên tục thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, rất cần xây dựng đội ngũ tư vấn viên có năng lực, nhiệt huyết với doanh nghiệp, nhằm giúp họ hiểu đúng, đủ và tuân thủ pháp luật liên quan đến kinh doanh.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đồng Nai cũng cho biết, trong số các vướng mắc của doanh nghiệp, có hơn 70% vướng mắc liên quan đến pháp lý. Tuy nhiên, hiệp hội doanh nghiệp hầu như chưa được tham gia bất cứ hội nghị, hội thảo nào liên quan đến việc hỗ trợ pháp lý. Điều các doanh nghiệp quan tâm là làm thế nào nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật ban hành mới, ban hành bổ sung, sửa đổi; có được môi trường pháp lý đầy đủ, minh bạch, thực thi thống nhất, khi vướng mắc thì biết gặp ai để được hỗ trợ, giải quyết...
Theo Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc, mặc dù cơ chế, chính sách đã tương đối đầy đủ, nhưng thực tế hoạt động, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề, vẫn còn hoạt động mang tính hình thức, một số cơ quan, ban, ngành còn thờ ơ… dẫn đến hiệu quả chưa như mong muốn. Do đó, thời gian tới, Bộ Tư pháp cũng như Sở Tư pháp các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hỗ trợ tư pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để làm được việc đó, các địa phương phải khảo sát, lấy ý kiến về nhu cầu của doanh nghiệp trước khi xây dựng kế hoạch, phân công thực hiện, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân; định kỳ sơ kết, tổng kết về hiệu quả chương trình để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ không thể giải quyết tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật thông tin qua các kênh khác nhau. Việc xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, công bằng, minh bạch, an toàn phải xuất phát từ hai phía; trong đó, cơ quan quản lý nhà nước làm đúng, đủ chức trách của mình và doanh nghiệp phải hưởng ứng, đồng hành và tuân thủ.
Minh Dung
Từ khoá