TRANG CHỦ / TIN TỨC

10 dấu ấn nổi bật của TP.Hồ Chí Minh năm 2024

(Hochiminhcity.gov.vn) - Tối 31/12/2024, UBND TP.Hồ Chí Minh công bố 10 dấu ấn nổi bật trong năm với những chuỗi sự kiện có ý nghĩa lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giao thông, đô thị, quốc phòng -an ninh.

1. Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước làm việc với TP.Hồ Chí Minh để chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng

Cụ thể, ngày 17/8, trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã đến thăm, làm việc với Thành ủy TP.Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ XI; việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.

Sáng 10/8, đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP.Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 98 và họp Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Sáng 5/10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh. Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả một năm triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP và Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng vành đai 3 TP.

2. Nhân dân TP.Hồ Chí Minh thể hiện nét đẹp của thành phố nghĩa tình và tinh thần Đại đoàn kết dân tộc

Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.Hồ Chí Minh với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, luôn thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sẵn sàng giúp đỡ, quyên góp ủng hộ đồng bào trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đi đầu trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giảm nghèo bền vững, khuyến học, khuyến tài, bảo vệ an ninh Tổ quốc, cứu trợ, từ thiện...

Trong năm qua, TP.Hồ Chí Minh phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những điểm sáng trong năm gồm Đại hội MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII mang chủ đề "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường dân chủ, thi đua xây dựng và phát triển TP.Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình"; Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP.Hồ Chí Minh lần thứ IV với chủ đề "Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng và phát triển TP.Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình".

3. HĐND TP.Hồ Chí Minh khẩn trương, kịp thời ban hành các chính sách triển khai các nghị quyết và quy định của Trung ương vào cuộc sống thực tiễn

Năm 2024, với tinh thần tiến công, quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98 của Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành 46 nghị quyết đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính, đô thị, khoa học công nghệ và phân cấp, ủy quyền. Đồng thời tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện. Từ đó tạo động lực giúp thành phố từng bước khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Trong đó, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, giúp thành phố thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

4. Kinh tế Thành phố tiếp tục phục hồi, chuyển đổi và tăng trưởng một cách bền vững; ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 04 (C4IR) tại TP.Hồ Chí Minh

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác chỉ đạo, điều hành, kinh tế Thành phố năm 2024 tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2024 ước tăng 7,17% so với năm 2023 (gần đạt kế hoạch đề ra, tăng từ 7,5 - 8%).

Việc thực hiện Chủ đề công tác năm 2024 tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố; Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện năm 2024 là 508.553 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ. Năm 2024, thương mại điện tử của Thành phố tăng trưởng 52%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 42%. Xét về tổng quy mô doanh số thương mại điện tử tăng trưởng so với cùng kỳ, TP.Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước. Ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.Hồ Chí Minh. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho Thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cả nước.

Ngoài ra, Đối thoại Hữu nghị TP.Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 là một trong những sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng với sự tham dự của 35 địa phương kết nghĩa của TP.Hồ Chí Minh thuộc 15 quốc gia trên thế giới.

5. Chương trình Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số và Cải cách hành chính tạo dấu ấn tích cực, quan trọng

Kết quả thực hiện Chủ đề công tác năm 2024, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, Thành phố có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển chính quyền điện tử ở cấp địa phương, chỉ số Dịch vụ Trực tuyến Địa phương (LOSI) của Thành phố đã tăng từ vị trí 54/146 lên vị trí 53/152 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới được khảo sát vào năm 2023. Thành phố cũng triển khai Chương trình phát triển vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025-2030. Chương trình kì vọng sẽ đưa công nghiệp vi mạch bán dẫn của Thành phố tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; góp phần đưa Khu Công nghệ cao Thành phố trở thành hạt nhân KHCN thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh theo xu thế của CMCN 4.0.

6. TP.Hồ Chí Minh chính thức vận hành thương mại tuyến Metro số 1; Khởi công, khởi động lại nhiều công trình, dự án

Tuyến Metro số 1 được chính thức vận hành vào ngày 22/12 là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP.Hồ Chí Minh.

Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên được xây dựng và đưa vào khai thác tại TP, tuyến có chiều dài 19,7 km, kết nối trung tâm quận 1 với khu vực phía Đông.

Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu cho việc hình thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần xây dựng TP.Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt.

Trong năm 2024, UBND TP đã trình thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) hơn 9.000 tỉ đồng để đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập cho diện tích khoảng 14.900 ha, giải quyết ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông.

Hàng loạt công trình được đưa vào hoạt động sau nhiều năm ngưng trệ như cầu Nam Lý, cầu Cây Khô, hầm Phan Thúc Duyện; mở rộng đường Long Phước, hầm chui qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ…

7. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm sâu; tỉ lệ điều tra, khám phá án được nâng cao

Công an Thành phố (CATP) đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp chặt chẽ phòng ngừa xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, phòng tránh của người dân. Qua đó, số vụ phạm tội về trật tự xã hội (TTXH) được kiềm chế, kéo giảm sâu qua từng năm; từ 2014 đến nay, trung bình mỗi năm kéo giảm hơn 8%. Năm 2024 ghi nhận mức giảm số vụ về TTXH cao nhất trong 10 năm trở lại đây; trong 11 tháng năm 2024, ghi nhận xảy ra 3.995 vụ phạm tội về TTXH, giảm 1.121 vụ so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng 22,1%.

8.Nhiều hoạt động nổi bật kỷ niệm: 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Với tình cảm gắn bó nhiều năm qua giữa Điện Biên và TP.Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Hồ Chí Minh xây tặng Điện Biên dự án Lưới điện nông thôn huyện Điện Biên Đông (50 tỷ đồng), hỗ trợ thực hiện các hạng mục tại Di tích đồi E2 (35 tỷ đồng trong 2 năm 2024, 2025), tổng kinh phí hỗ trợ là 85 tỷ đồng; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh đã hỗ trợ xây tặng 200 căn nhà tình nghĩa (kinh phí 10 tỷ đồng); Đoàn đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh tổ chức chuyến về nguồn, thăm lại các di tích chiến trường xưa và dâng hương, dâng hoa các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ và trao tặng công trình phòng máy với 70 máy vi tính cho Trường THCS xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên.

Hòa với niềm vui chung của cả nước Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam lãnh đạo, 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

9. TP.Hồ Chí Minh là thành phố sáng tạo, thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; phấn đấu xây dựng trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN

Ngày 14/2, TP.Hồ Chí Minh trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Đây là kết quả của quá trình thành phố tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân.

Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định cam kết của TP đối với việc học tập suốt đời và phát triển bền vững cũng như thực hiện hiệu quả các nội dung đã cam kết với UNESCO trong việc thực hiện các kế hoạch và tiêu chí trong hồ sơ đăng ký thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.

Lần đầu tiên trên cả nước, 2 bệnh viện công lập của TP.Hồ Chí Minh đạt chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện do 2 tổ chức có uy tín trên thế giới công nhận. Đó là Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học. Hai bệnh viện này vừa được Tổ chức Australian Council on Healthcare Standards International của Úc và Tổ chức Joint Commission International của Mỹ thẩm định và công nhận triển khai thành công kỹ thuật thông tim can thiệp cho bào thai mắc bệnh tim bẩm sinh do chính các y bác sĩ của TP thực hiện.

Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh ký kết hợp tác phát triển với 31 Sở Y tế tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, quản lý y tế, và đào tạo nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện thành phố và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người dân trong khu vực…

10. TP.Hồ Chí Minh - Thành phố của công nghiệp văn hóa, du lịch, thể thao cộng đồng; điểm hẹn của lễ hội và sự kiện

TP.Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Điều này cho thấy tính năng động và quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa.

Ngành du lịch thành phố vẫn tăng tốc, vượt qua thách thức để đạt được kết quả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tổng thu du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỉ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, khách du lịch nội địa đến thành phố ước đạt 38 triệu lượt còn khách quốc tế ước đạt 6 triệu lượt.

Minh Dung

Từ khoá

Tin liên quan

Xuất bản thông tin