Xuất bản thông tin

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 900 doanh nghiệp

TRANG CHỦ / TIN TỨC

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 900 doanh nghiệp

(HCM CityWeb) – UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025” trong năm 2024.

Kế hoạch nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Thành phố phát triển ngang tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%. Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể sau: 

Nâng cao năng lực ĐMST cho 900 doanh nghiệp.

Thực hiện ươm tạo, phát triển 300 dự án khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, hỗ trợ phát triển 30 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Góp phần tăng chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân 1%/GRDP.

Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp ĐMST tăng từ 8% - 10%; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 35% trong tổng số doanh nghiệp.

Nhiệm vụ, thời gian, đơn vị thực hiện

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, thời gian, đơn vị thực hiện như sau:

1. Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST:

Hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp ĐMST. Mục tiêu là hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST do Thành phố đầu tư và quản lý. 

Hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST và xây dựng các mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST theo mô hình quốc tế. Mục tiêu là cải tạo, nâng cấp, hình thành không gian phục vụ hoạt động ươm tạo khởi nghiệp ĐMST.

Phát triển hệ thống thu thập và cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu phát triển và ĐMST. Mục tiêu là phát triển hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và ĐMST của xã hội.

Đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ĐMST. Mục tiêu: Phát triển Sàn giao dịch công nghệ Thành phố trở thành trung tâm kết nối cung cầu, hợp tác, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động ĐMST của doanh nghiệp.

2. Nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; hình thành các hệ sinh thái ĐMST của cáclĩnh vực, sản phẩm trọng điểm:

Tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Mục tiêu: tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp, dịch vụ và các đề án đô thị thông minh/đô thị sáng tạo.

Hình thành các hệ sinh thái ĐMST của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm. Mục tiêu: Hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong các lĩnh vực trọng điểm, các công nghệ và các sản phẩm ĐMST có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế cho Thành phố như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục (Edtech), y tế (Medtech), nông nghiệp thông minh, Govtech, Môi trường - Xã hội và Quản trị (ESG), Blockchain, khởi nghiệp xã hội… Xây dựng các mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST theo một số mô hình quốc tế phục vụ phát triển các lĩnh vực, ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố.

Xây dựng đội ngũ quản trị viên tài sản trí tuệ cho các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp. Mục tiêu: Nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ quản trị viên tài sản trí tuệ tại các Trường, Viện, doanh nghiệp nhằm quản lý, khai thác các tài sản trí tuệ có hiệu quả tại các đơn vị cơ sở; qua đó khuyến khích nghiên cứu, tạo ra và ứng dụng các tài sản trí tuệ làm công cụ hỗ trợ đẩy mạnh phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Huấn luyện nâng cao năng lực cho các thành phần Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Mục tiêu: Cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, các cá nhân/nhóm cá nhân khởi nghiệp ĐMST.

Kết nối mạng lưới khởi nghiệp ĐMST. Mục tiêu: Phối hợp với cộng đồng tổ chức các sự kiện kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển giải pháp công nghệ, ĐMST, tiếp cận quỹ đầu tư mạo hiểm, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, trong đó tập trung vào các hệ sinh thái ĐMST của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm. Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM với các địa phương. 

3. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST phát triển sản phẩm và thị trường:

Triển khai Chương trình ươm tạo các dự án ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc (Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố). Mục tiêu: Phối hợp các Trường, Viện, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST phát triển, ươm tạo các dự án ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố.

Hình thành không gian hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp ĐMST. Mục tiêu: Tạo lập môi trường, không gian đô thị có các điều kiện, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu thử nghiệm sản phẩm mới các doanh nghiệp khởi nghiệp trong môi trường thực tế.

4. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và ĐMST:

Huấn luyện về năng suất, chất lượng phục vụ cải tiến và đổi mới mô hình quản lý sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu: Huấn luyện về các công cụ quản trị năng suất chất lượng - ĐMST ứng dụng vào thực tế sản xuất - kinh doanh.

Tư vấn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, đo lường. Mục tiêu: Tư vấn cho các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, công cụ năng suất, chất lượng, hoạt động đo lường, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm theo ngành/lĩnh vực.

Phát triển hệ thống huấn luyện trực tuyến về năng suất, chất lượng, ĐMST và quản trị tài sản trí tuệ. Mục tiêu: Tiếp tục vận hành ổn định trang phổ biến kiến thức trực tuyến về năng suất chất lượng, ĐMST, khởi nghiệp từ cơ bản đến nâng cao (https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn); thu hút trên 20.000 lượt truy cập trong năm 2024.

5. Thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công. Mục tiêu: Thúc đẩy cơ quan quản lý nhà nước ứng dụng khoa học và công nghệ và ĐMST trong hoạt động nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và kiến tạo hỗ trợ ngành/lĩnh vực phụ trách phát triển.

6. Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp ĐMST. Mục tiêu: Đưa hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố tham gia vào mạng lưới khởi nghiệp ĐMST của khu vực và thế giới, thúc đẩy hoạt động liên kết hợp tác ĐMST, chia sẻ, thu hút nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMST vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

7. Truyền thông khởi nghiệp ĐMST:

Phát triển nền tảng trực tuyến hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Mục tiêu: Xây dựng môi trường làm việc trực tuyến nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

Tổ chức hoạt động truyền thông hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp. Mục tiêu: Thúc đẩy truyền thông về hoạt động ĐMST và khởi nghiệp, nhằm thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa ĐMST trong cộng đồng.

8. Đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Đề án. Mục tiêu: Thực hiện công tác thống kê, khảo sát, đánh giá hàng năm kết quả triển khai và tác động của Đề án, để kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp, đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Đề án.

Minh Thư

Từ khoá

Xuất bản thông tin