Khai mạc Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất
(HCM CityWeb) - Sáng 4/8, tại Cột cờ Thủ Ngữ, Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 đã khai mạc, mở đầu cho sự kiện du lịch lớn nhất từ trước đến nay của TPHCM.
Tham dự lễ khai mạc có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải; lãnh đạo các sở ngành TP; đại diện các công ty du lịch, du khách…
Sự kiện diễn ra từ ngày 4/8 đến 6/8 với chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao đặc sắc cùng nhiều hoạt động trải nghiệm, các chương trình kích cầu thương mại, du lịch phong phú, hấp dẫn phục vụ người dân và du khách.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM, qua hơn 300 năm, dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM, một đô thị ven sông không chỉ gắn với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập. “Trên bến dưới thuyền” không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế TPHCM mà còn là nếp sống, là văn hóa, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, Lễ hội sông nước TPHCM nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông, biển trên địa bàn thành phố; hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Chủ tịch Phan Văn Mãi mong rằng du khách có những trải nghiệm thú vị trong những ngày tham dự lễ hội để cảm nhận sâu sắc hơn về sự thân thiện, cởi mở, hào sảng và phóng khoáng của người TPHCM, về văn hoá “Trên bến dưới thuyền” của vùng đất hơn 300 năm tuổi, để thêm yêu và tự hào về TP - một thành phố anh hùng, giàu sức sống, tràn đầy năng lượng, luôn trân trọng quá khứ và không ngừng hướng đến tương lai.
Các hoạt động trên sông Sài Gòn
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn Thành phố; hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa, UBND Thành phố tổ chức “Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023”.
Điểm nhấn đặc sắc của Lễ hội là Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” sẽ tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, từ âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch đến công nghệ ánh sáng cùng các công nghệ trình diễn hiện đại và sự tham gia của gần 700 diễn viên, nghệ nhân dân gian. Chương trình được kỳ vọng sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho TPHCM cũng như truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu tham quan tìm hiểu về chương trình du lịch trên sông của TP
Đến với Lễ hội, người dân và du khách có thể trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy; trải nghiệm Không gian “Trên bến dưới thuyền” tại Kênh Nhiêu Lộc - Quận 1, Bến Bình Đông - Quận 8 với các hoạt động tái hiện nếp sống của cộng đồng cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM qua các thời kỳ và mua sắm nông sản, đặc sản của các địa phương. Người dân và du khách cũng có thể hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động thể thao dưới nước với Giải đua thuyền truyền thống vô địch TPHCM; các hoạt động diễu hành trên sông Sài Gòn và không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở Bến Bạch Đằng, Công viên Lam Sơn...
Những hoạt động đặc sắc tại lễ hội:
- Không gian "Trên bến dưới thuyền" tại quận 1 (tại Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) và quận 8 (Khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, Phường 13) sẽ diễn ra từ 9 giờ đến 20 giờ 30 trong 3 ngày với 30 gian hàng giới thiệu ẩm thực vùng miền, bánh dân gian, trái cây ngon, sản phẩm đặc trưng… để người dân, du khách tham quan và mua sắm; tổ chức hoạt động nghệ thuật dân gian và các chương trình biểu diễn nghệ thuật tối ngày 4 và 5/8.
- Giải đua thuyền truyền thống từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 5/8 tại Bến Bạch Đằng (khu vực Cầu Cảng số 4 gần Cột cờ Thủ Ngữ) gồm 25 đội, 650 vận động viên từ TPHCM và các tỉnh thành, doanh nghiệp đăng ký tham gia.
- Bến Bạch Đằng (từ 20 giờ đến 21 giờ 30 ngày 5/8): Trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao; Biểu diễn ván phản lực; Biểu diển Fly Board; Phối cảnh thuyền buồm Sailing trên sông.
- Các hoạt động thể thao dưới nước ngày 6/8 tại Kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè (đoạn cầu Công Lý), gồm các hoạt động như: Trình diễn dù lượn, bay bằng ván phản lực nước - Flyboard, trình diễn chiếu sáng khu dù lượn trên cao và đua ghe truyền thống từ các vận động viên chuyên nghiệp; biểu diễn cano nước và các hoạt động tương tác chèo SUP…
- Kênh Nhiêu Lộc - cầu Thị Nghè đến cầu công lý (5km) từ 8 giờ 15 đến 10 giờ 30 ngày 6/8 có hàng chục thuyền rồng với sự tham gia của khoảng 150 vận động viên; 10 vận động viên biểu diễn ván phản lực; 10 thuyền buồm; 80 thuyền sub; Flyboard (2 máy 10 người); Liên đoàn dù lượn (20 người); Lân sư rồng (15 vận động viên). Đặc biệt, người dân có thể đăng ký tham gia hoạt động tương tác chèo SUP…
Minh Dung
Từ khoá