Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đối thoại với doanh nghiệp
HCM CityWeb) – Sáng 31/8, Thành uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp Thành phố năm 2022.
(HCM CityWeb) – Sáng 31/8, Thành uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp Thành phố năm 2022.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp |
Chủ trì hội nghị có, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến.
Phát biểu khai mạc buổi tiếp xúc, đối thoại, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo và giao cho Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP tiến hành một cuộc khảo sát nhanh đối với các DN trên địa bàn TP với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư - Đồng hành cùng doanh nghiệp” với mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trao đổi của các DN, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân và DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và ghi nhận các đề nghị, kiến nghị, đề xuất, hiến kế của cử tri DN nhằm đóng góp cho việc xây dựng và thực hiện chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, góp phần cho sự phát triển của TP và đất nước.
Qua khảo sát, Thường trực HĐND TP ghi nhận một số ý kiến của DN về thủ tục hành chính: DN cho rằng thủ tục hành chính hiện nay còn phức tạp, rườm rà, DN mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, đào tạo tốn chi phí; đề xuất cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết đến các DN về thay đổi các chính sách, các quy định của pháp luật để DN chủ động thực hiện; công khai minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chế độ chính sách và tăng cường các nguồn lực, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phân đối xử giữa các DN; cần áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảm bớt thủ tục giấy; tình trạng nguồn lao động khan hiếm, thiếu nhóm lao động công nhân kỹ thuật có tay nghề, kể cả lao động phổ thông, trung cấp tuyển dụng rất khó khăn; cần có chính sách thu hút lao động phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lục và tạo thêm các kênh kết nối giữa DN và người lao động đang tìm kiếm việc làm; tăng nguồn cung lao động, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động…
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, thời gian gần đây, những vấn đề vướng mắc trong thủ tục hành chính tiếp tục là rào cản đối với DN.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi trao đổi thông tin với DN bên lề Hội nghị |
Chia sẻ các ý kiến và đề xuất để TP thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bà Hồ Thị Thu Uyên – Chi Hội trưởng Chi hội DN Khu CNC (SBA) TP, kiêm Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam, cho rằng vấn đề thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều qui trình, nhiều cơ quan khác nhau, dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp đồng thời suy giảm niềm tin của DN.
Bà Hồ Thị Thu Uyên kiến nghị UBND TPHCM và cơ quan thẩm quyền cho phép Khu CNC tiếp tục giữ vai trò Cơ quan một cửa để có thể hỗ trợ DN nhanh chóng hơn, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang dần phục hồi giai đoạn hậu Covid. Trước mắt, các DN mong muốn BQL và các cơ quan Sở ngành phải có sự thống nhất, tiếp nối, phối hợp trong giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính. Phòng DN của BQL Khu CNC phải có hướng dẫn chi tiết, nhất quán cho các DN về thủ tục, thẩm quyền, đầu mối tiếp nhận để tránh lặp lại tình trạng chậm trễ phê duyệt các thủ tục như thực tế gần 2 năm qua.
Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cho rằng, Thành phố cần nhận diện các thách thức từ bên ngoài và trở lực từ bên trong có thể làm Thành phố chậm lại trong quá trình tăng trưởng. Thách thức từ bên ngoài có thể kể đến như: Dịch bệnh diễn biến khó lường; bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá cả tăng; người tiêu dung toàn cầu có thay đổi khó đoán về nhu cầu; bất ổn kinh tế thế giới; tư duy về phương thức kinh doanh đang chuyển qua hướng số hóa, xanh sạch và bền vững; chiếc áo về cơ chế dành cho TPHCM còn quá chật so với nhu cầu phát triển.
Toàn cảnh |
Ông Phạm Phú Trường cho rằng tốc độ giải ngân chậm; cải cách hành chính chưa thể làm hài lòng người dân và doanh nghiệp; triển khai chiến lược số chưa đạt kết quả như mong đợi; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ban hành nhưng vẫn còn chậm…
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến với mong muốn cần sự ổn định để bảo đảm thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh về lâu dài.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết thêm, TP tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phát triển. Hiện TPHCM đã xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện mới. Trong đó, chiến lược được chia làm 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (đến hết năm 2022), TPHCM sẽ khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ cho doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo đời sống an sinh xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2025, TP sẽ tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, triển khai các giải pháp, chương trình đã được chuẩn bị theo tinh thần của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 11; giải quyết các điểm nghẽn để đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP.
ZUKI
Từ khoá