TRANG CHỦ / TIN TỨC

Ngành GTVT cần tập trung nguồn lực hiện thực hóa đột phá về hạ tầng giao thông, tạo sự kết nối vùng

(Hochiminhcity.gov.vn) - Chiều 30/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

​Tham dự tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Phát biểu tại đầu cầu TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường nhấn mạnh vai trò của ngành GTVT trong việc phát triển hạ tầng giao thông và kết nối vùng, đóng góp lớn vào các dự án trọng điểm của TP.Hồ Chí Minh.


Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nêu bật những kết quả tích cực như dự án Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh được triển khai đúng tiến độ, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã vận hành thương mại, cùng sự đồng bộ trong các dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, TP.Hồ Chí Minh vừa đưa vào hoạt động 4 công trình giao thông trọng điểm và dự kiến tiếp tục hoàn thành thêm 10 công trình trước Tết Nguyên đán để phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh đang gấp rút thi công các đoạn trên cao thuộc dự án Vành đai 3 để khai thác vào năm 2025, đồng thời chuẩn bị các bước khởi công dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài vào dịp 30/4/2025. Thành phố cũng triển khai các dự án mới như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Vành đai 4, cùng với lộ trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh như xe buýt CNG.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đề nghị Bộ GTVT tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu như cát, đá và đồng hành trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Đồng thời, TP.Hồ Chí Minh kỳ vọng các công trình giao thông quan trọng sẽ được triển khai thuận lợi, góp phần tạo động lực phát triển bền vững cho thành phố.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành GTVT, đặc biệt trong thực hiện đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn” của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2025 là năm tăng tốc và về đích để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cần xác định đây là năm mang ý nghĩa chiến lược, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, sự phối hợp chặt chẽ và đổi mới trong tư duy, hành động để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành.

Đặc biệt, với tinh thần “đi trước mở đường”, ngành GTVT cần tập trung nguồn lực hiện thực hóa đột phá về hạ tầng giao thông, tạo sự kết nối vùng; triển khai đồng bộ các loại hình giao thông, bao gồm đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa... góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng thịnh.


Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm đầu cầu TP.Hồ Chí Minh

Ngành GTVT hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, Bộ GTVT đã chủ động nắm bắt tình hình, bám sát thực tiễn, tập trung thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Toàn ngành GTVT phát huy tinh thần làm việc với quyết tâm cao nhất, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, triển khai nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm vượt qua thách thức, làm việc không kể ngày, đêm, không kể ngày nghỉ, ngày lễ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, với quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, Bộ đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Ngành GTVT coi trọng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị giúp tháo gỡ được “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã ban hành 33 Thông tư theo thẩm quyền; đã hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo Chương trình, kế hoạch đề ra. Chính phủ đã ban hành 14 Nghị định (trong đó, có 05 Nghị định được trình năm 2024 và 09 Nghị định được trình năm 2023), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 Quyết định do Bộ GTVT tham mưu trình.

Bộ GTVT đã tích cực xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đường bộ với các chính sách lớn có tác động tích cực đến xã hội liên quan đến việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trách nhiệm về quản lý nhà nước; các quy định về cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường bộ cao tốc, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhằm tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ hồ sơ Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi) và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); đồng thời tiếp tục thực hiện việc tổng kết, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, tổng kết Luật Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam...

Công tác lập, triển khai các quy hoạch chuyên ngành cũng được tập trung thực hiện. Triển khai Luật Quy hoạch, Bộ GTVT là một trong các Bộ, ngành đầu tiên hoàn thiện 5/37 quy hoạch ngành quốc gia. Bộ GTVT cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đang hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ GTVT cũng đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch các cảng hoàng không (CKH) Nội Bài, Cà Mau, Pleiku, Cát Bi, Liên Khương. Đồng thời, hiện nay Bộ GTVT đang tập trung hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về đường bộ, đường sắt, hàng hải và một số  quy hoạch cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Đà Nẵng, CHK Tuy Hòa, CHKQT Phú Quốc, CHK Đồng Hới, CHKQT Vinh; tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ Công tác và Quy chế hoạt động của Tổ Công tác giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh….

Trong năm 2024, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 08 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam, đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 03 đến 06 tháng.

Về đường sắt, đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đang tích cực triển khai dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025; đã khởi công Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét; tiến độ triển khai 06/07 dự án đường sắt giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu, 01 dự án vốn vay ODA đang khảo sát, thiết kế; phối hợp với các địa phương đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vào tháng 8/2024 và phấn đấu đưa tuyến Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 12/2024. Tuy nhiên, còn một số hạng mục của 02 dự án đường sắt giai đoạn 2016 - 2020 đang triển khai nhưng chậm do vướng mắc về mặt bằng kéo dài.

Về hàng hải, đường thủy nội địa, đã khởi công dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia - giai đoạn 1 (Khu vực phía Nam); hoàn thành, đưa vào khai thác Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn; hoàn thành thi công, đang thực hiện điều chỉnh dự án 03 gói thầu xây lắp của Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; đang thực hiện ký hiệp định vay vốn Dự án Phát triển các Hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam (phấn đấu khởi công trong quý IV/2025).

Với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải đi đôi với kết quả thực chất là sản lượng trên công trường. Năm 2024, Bộ GTVT đã được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (trong đó 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024; 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024). Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch...

Thanh Mai

Từ khoá

Xuất bản thông tin