Tăng cường phổ biến kiến thức ESG, thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững
(Hochiminhcity.gov.vn) - Ngày 20/12, Trung tâm Báo chí TP.Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Bồi dưỡng kiến thức phát triển bền vững về môi trường trong tình hình mới dành cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí tại TP.Hồ Chí Minh”.
Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích - Chuyên gia tư vấn và Thành viên độc lập Tiểu ban Phát triển bền vững Coteccons đã cung cấp các kiến thức nền tảng về phát triển bền vững trong lĩnh vực môi trường |
Nhằm nâng cao nhận thức và lan tỏa các giải pháp bảo vệ môi trường trong cộng đồng, Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích - Chuyên gia tư vấn và Thành viên độc lập Tiểu ban Phát triển bền vững Coteccons đã cung cấp các kiến thức nền tảng về phát triển bền vững trong lĩnh vực môi trường.
Theo Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích, ESG là một bộ phận đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Đây là một khung tiêu chuẩn để đánh giá và đo lường các yếu tố phi tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp, nhằm xác định tác dụng bền vững và đạo đức của doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội và cách quản trị nội bộ.
Tiến sĩ Đinh Thị Ngọc Bích cũng nhấn mạnh: “Để vận hành được mô hình ESG, các doanh nghiệp phải tuân thủ với những cam kết mà doanh nghiệp đã đưa ra trong hệ sinh thái thông qua các mục tiêu được kiểm kê và có thể đo lường được. Các doanh nghiệp, khi nói đến ESG, nghe rất thích vì nó có điều gì đó rất tốt đẹp và đều muốn thực hiện. Nhưng có lẽ, đa phần doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ cái gì. Truyền thông có vai trò cực kỳ quan trọng, vì hiện nhận thức về ESG còn rất hạn chế, chung chung, nhưng bản chất là như thế nào thì cần có sự tiếp sức của truyền thông, quan trọng nhất là truyền thông phải tạo ra nguồn cảm hứng để cho các bên đều muốn làm ESG và nó đòi hỏi sự nỗ lực chứ không phải chỉ là lời nói suông’.
Thông qua lớp bồi dưỡng, các chuyên gia, diễn giả đánh giá vai trò của báo chí trong nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, truyền tải các mô hình, giải pháp điển hình góp phần thúc đẩy hoạt động ESG.
Tại buổi tập huấn các phóng viên, biên tập viên cũng đã trao đổi, thảo luận sôi nổi các nội dung liên quan đến xu hướng phát triển bền vững và các giải pháp truyền thông nhằm lan tỏa nhiều hơn và hiệu quả hơn về môi trường.
Được biết Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh. Cụ thể về tăng trưởng xanh, phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Cùng với đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050.
Minh Dung
Từ khoá