TP.Hồ Chí Minh đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý trong công tác dân tộc và tôn giáo
(Hochiminhcity.gov.vn) – Sáng 30/12, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 53 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; tại điểm cầu TP.Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải, Trưởng Ban Dân tộc TP.Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Hồng Ngọc, đại diện các sở ngành Thành phố.
Bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, báo cáo kết quả công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Theo đó, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm 2025, Ủy ban Dân tộc đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm, 7 giải pháp triển khai thực hiện.
Đồng bào dân tộc thiểu số tại TP.Hồ Chí Minh có đời sống ổn định, kinh tế không ngừng phát triển
Báo cáo tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải cho biết, TP.Hồ Chí Minh có 53 dân tộc thiểu số với 468.128 người, chiếm 5,2% tổng số dân số Thành phố. Đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố có đời sống ổn định, kinh tế không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải báo cáo tham luận tại Hội nghị
Thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để các doanh nghiệp, doanh nhân người dân tộc thiểu số phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đa số người DTTS nắm bắt nhanh cơ hội, tích cực phát huy mọi nguồn lực, vốn, tay nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh trên tất cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Hoạt động của các doanh nghiệp, doanh nhân người dân tộc thiểu số với tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng đã tạo lợi thế đối với các doanh nghiệp cùng ngành nghề, nhiều doanh nghiệp tạo dựng được thương hiệu mạnh, sản phẩm uy tín trên thị trường trong nước và thế giới.
Thành phố còn là trung tâm tôn giáo lớn của cả nước, là nơi tập trung hầu hết cơ quan Trung ương của các giáo hội, với số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự và các cơ sở xã hội, cung cấp nguồn nhân lực lãnh đạo chủ yếu cho các giáo hội và có mối quan hệ quốc tế rộng rãi liên quan đến tôn giáo; là nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội tôn giáo với quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng trên toàn quốc.
Các hoạt động của cộng đồng dân tộc và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có tính tương đồng, tương quan; công tác dân tộc và công tác tôn giáo có sự phối hợp, song hành, có mối liên hệ, gắn kết với nhau; do đó, công tác tham mưu, giải quyết các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có quan điểm, cách nhìn tổng thể trong việc đánh giá, giải quyết vấn đề phát sinh khi được sáp nhập; việc sáp nhập thành Ban Dân tộc - Tôn giáo để đảm bảo việc theo dõi, quản lý tập trung đầu mối trong công tác tham mưu, quản lý lĩnh vực Dân tộc và Tôn giáo. Đây cũng là thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; là cần thiết yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị tại Thành phố.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cần thiết, UBND Thành phố đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc Thành phố, trình Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc Thành phố tên gọi là Ban Dân tộc - Tôn giáo TP.Hồ Chí Minh vào ngày 11/12/2024.
Để công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới được thống nhất, đồng bộ từ thành phố đến phường, xã, thị trấn, UBND Thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sở, ngành và hệ thống chính trị tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục bám sát, quán triệt thực hiện nghiêm chủ trương, yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW; thực hiện tốt công tác tư tưởng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền, cơ quan chức năng, phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Hai là, triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố và cấp quận, huyện đảm bảo đồng bộ, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; và hoàn thành trong tháng 2/2025, theo chỉ đạo của Trung ương.
Ba là, xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Ban Dân tộc - Tôn giáo; xây dựng Quy định chức năng, nhiệm vụ, Quy chế phối hợp giữa Ban Dân tộc - Tôn giáo Thành phố với UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức đảm bảo không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn.
Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng nhấn mạnh: "Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội". Lời dạy của Bác luôn luôn là kim chỉ nam để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay và là động lực mạnh mẽ của tiến trình phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ vui mừng nhận thấy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không ngừng có những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng-an ninh, đời sống đồng bào ngày càng được nâng lên...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc và miền núi cũng còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý, giải quyết như: Điều kiện, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của vùng còn khó khăn, lạc hậu; tỉ lệ hộ nghèo còn lớn, cần có những giải pháp triệt để hơn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn kém và hạn chế;…
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách lớn có liên quan đến công tác dân tộc.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, thời gian tới, một phần chức năng nhiệm vụ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và một phần chức năng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ là mảng tôn giáo sẽ sáp nhập vào Ủy ban Dân tộc. Dự kiến sẽ thành lập Bộ Dân tộc-Tôn giáo, tích hợp chức năng nhiệm vụ về chính sách dân tộc và miền núi, chính sách tôn giáo và chính sách liên quan đến giảm nghèo.
Trên tinh thần bộ máy mới tinh gọn và hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, bộ máy mới, bộ mới sau sắp xếp phải sẵn sàng đón nhận các nhiệm vụ mới. Việc này có điểm thuận nhưng có điểm vất vả hơn do khối lượng công việc nhiều hơn và cũng sẽ có những biến động nhất định trong quá trình sắp xếp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công các công trình hạ tầng và giải ngân đầu tư công các công trình trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tích cực, chủ động tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, chính sách dân tộc; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Coi công tác dân tộc miền núi không chỉ là trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc mà là trách nhiệm cần chung tay của các cấp, các ngành, địa phương trong hỗ trợ, chăm lo phát triển vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách hiện có, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng đời sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh, tích cực tham các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống, thu nhập.
Minh Thư
Từ khoá