TRANG CHỦ / TIN TỨC

Cần những cơ chế đột phá để phát triển cho vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An

(Hochiminhcity.gov.vn) - Sáng 15/1, tại TP.Hồ Chí Minh, UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị làm việc với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An. Hội nghị có sự tham gia của chủ tịch, lãnh đạo sở ban ngành các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi Phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi mong muốn các tỉnh, thành cùng ngồi lại nghiên cứu, bàn sâu những vấn đề, chốt lại những trọng tâm để phát triển trong giai đoạn tới “Phải làm sao vùng Đông Nam Bộ phải đi tiên phong khi cả nước bước vào kỷ nguyên mới”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh việc thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ. Quỹ này đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương và giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển động.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, các Sở ngành Thành phố được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai các nội dung hợp tác song phương đã chủ động phối hợp với các Sở ngành liên quan của các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ để triển khai.

Trong lĩnh vực giao thông, Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An triển khai các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ; phối hợp trong triển khai hoàn chỉnh BCNCTKT, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TPHCM-Mộc Bài; phối hợp Bộ Giao thông vận tải trong triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc, đường sắt trong vùng (Mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành...); nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai, Bình Dương; phối hợp quản lý, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến vận tải hành khách Thành Phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu; Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh đã làm việc với các Sở Giao thông vận tải các tỉnh về công tác chuyển đổi phương tiện VTHKCC bằng xe buýt dùng năng lượng xanh vào ngày 29 tháng 08 năm 2024. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải các tỉnh đang xây dựng Kế hoạch chuyển đổi xe buýt sử dụng sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn quản lý....

Các nội dung phối hơn song phương đa phần là những nội dung thường xuyên như: lĩnh vực y tế, du lịch, xúc tiến đầu tư…) hoặc cần thời gian triển khai dài (như lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch…)  nên vẫn đang tiếp tục phối hợp thực hiện trong thời gian tới.

Ông Trần Quang Lâm kiến nghị những khó khăn trong lĩnh vực giao thông. Cụ thể, về mặt bằng, đến nay ngoài dự án trên địa bàn tỉnh Long An (DATP8) đã hoàn thành, bàn giao mặt bằng 100%; các địa phương khác gồm: TP.Hồ Chí Minh 0,3% mặt bằng, Đồng Nai (khoảng 2%), Bình Dương (khoảng 14%) chưa bàn giao 100% mặt bằng, cụ thể:

Về nguồn vật liệu, tiến độ cấp phép, khai thác mỏ vật liệu xây dựng các tỉnh (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long) chậm, chưa đáp ứng theo kế hoạch cam kết.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ CHí Minh Bùi Xuân Cường thông tin một số nội dung triển khai hợp tác tại Hội nghị

TP.Hồ Chí Minh kiến nghị, UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao 100% mặt bằng cho Chủ đầu tư triển khai Dự án trong tháng 01/2025; Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục cấp phép các mỏ còn lại (07/13 mỏ) và bổ sung thêm nguồn cát nhằm đảm bảo công suất ngày đáp ứng tiến độ cấp cát gia tải cũng như tiến độ hoàn thành của dự án.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung huy động mọi nguồn lực, tăng cường máy móc thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.Hồ Chí Minh.

Đối với đoạn 15,3km đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu đi trùng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh: UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư đoạn tuyến này bằng 1 dự án riêng nhằm đảm bảo năng lực thông hành với đường Vành đai 3 khi đưa vào khai thác năm 2026.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng VIện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh cho rằng, thách thức trong tăng cường đầu tư và tài trợ ở Vùng Đông Nam bộ do thiếu chính sách thuận lợi để điều phối; Các khoản đầu tư vùng; Môi trường để huy vòng vốn tư nhân cho đầu tư công còn chưa thuận lợi; Điểm nghên trong tiếp cận tín dụng chu cho các án vùng.

Vì vậy, cần một cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển vùng Đông Nam bộ, theo yêu cầu tại Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022, dự kiến sẽ được Quốc hội ban hành nhằm giải quyết các điểm nghẽn về kỹ thuật, chính sách, và pháp lý đối với đầu tư vùng hiệu quả và hiệu lực.

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định nếu vùng Đông Nam bộ liên kết chặt chẽ, hành động hiệu quả sẽ đóng góp rất lớn không chỉ cho các địa phương trong vùng mà cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Sự liên kết là quan trọng hiện nay, do vậy Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, các địa phương cùng nhau liên kết để cùng nhau phát triển, phải cùng làm, cùng nhau giải quyết những vấn đề phát sinh.

Liên quan đến việc kết nối hạ tầng, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các hạ tầng chiến lược phải khẩn trương thực hiện. Các vành đai cao tốc kết nối cần tập trung theo tiến độ, Vành đai 3 kiên trì mục tiêu quý 2/2026 hoàn thành, Vành đai 4 phấn đấu trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2025. Đối với cao tốc kết nối, Thành phố  sẽ thực hiện đúng cam kết.

Toàn cảnh Hội nghị

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đề nghị có cơ chế ưu tiên chính sách vùng, cấp luồng xanh cho các nhà đầu tư. Đồng thời, đề xuất những cơ chế đột phá cho Vùng. Liên quan đến Quỹ phát triển hạ tầng vùng, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị tiếp cận theo hướng  dựa trên cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 liên quan đến phát triển vùng để việc tiếp cận được nhanh hơn.

Đối với Kế hoạch Đào tạo nguồn nhân lực, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, hiện Thành phố đã hoàn thiện kế hoạch, tuy nhiên, Nghị quyết 57 được ban hành, Vì vậy, TP cập nhật vào kế hoạch liên quan đến Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong tháng 1/2025, sẽ hoàn thiện và xin ý kiến các địa phương để Vùng có được kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho Vùng Đông Nam bộ.

Về liên kết phát triển du lịch, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đề nghị TP.Hồ Chí Minh cùng các tỉnh phối hợp liên kết thực sự hiệu quả để phát triển thu hút khách du lịch hiệu quả hơn và du lịch sẽ đóng góp phát triển kinh tế rất lớn đối với vùng Đông Nam Bộ.

Hà Trang

Từ khoá

Asset Publisher