TRANG CHỦ / TIN TỨC

Công nghiệp - Xây dựng phát triển theo hướng có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu

(Hochiminhcity.gov.vn) - Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch TP.Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050,  TP.Hồ Chí Minh xác định phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, lựa chọn sản phẩm, công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; chuyển đổi hoạt động các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ;

Công nghiệp - Xây dựng phát triển theo hướng có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu

Theo đó, Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP là 27%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 22% (công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 90%). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 9%-10%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo từ 9%-11%/năm; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Định hướng phát triển các ngành, Thành phố về công nghiệp: phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ngành hóa chất (chọn lọc: hóa dược, cao su - nhựa kỹ thuật và phân bón); ngành cơ khí chính xác, tự động hóa; ngành chế biến thực phẩm và đồ uống,...; Phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng như công nghiệp sinh hóa; công nghiệp dược phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao,...; Tái cấu trúc và nâng cao giá trị gia tăng các ngành công nghiệp hiện hữu như giày da, quần áo, dệt may; nội thất, gỗ; các ngành khác;

Tập trung vào làm chủ công nghệ và phát triển toàn diện hệ sinh thái hỗ trợ; thu hút doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển; hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả thương mại của các ngành công nghiệp hiện hữu gắn với tự động hóa, phát triển bền vững;

Về xây dựng: phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững theo hướng thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại, vật liệu mới, sử dụng năng lượng tái tạo.

Định hướng sắp xếp và phân bố không gian, các vùng công nghiệp gắn với các hành lang kinh tế và các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, cụ thể: vùng số 1: huyện Bình Chánh, là vùng công nghiệp tập trung, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực; vùng số 2: các huyện Củ Chi và Hóc Môn, là vùng công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết vùng; vùng số 3: thành phố Thủ Đức, là vùng đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng; vùng số 4: các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, là vùng công nghiệp sạch gắn với kinh tế biển, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên;

Bên cạnh đó, tổ chức lại hoạt động của các cụm công nghiệp hiện hữu, các nhà máy, cơ sở sản xuất phân tán theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ; xây dựng các cụm công nghiệp mới tại nơi đảm bảo điều kiện về môi trường, đất đai, hạ tầng nhưng không đủ điều kiện hình thành khu công nghiệp; có kế hoạch di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

ZUKI

Từ khoá

Xuất bản thông tin