TRANG CHỦ / TIN TỨC

Nông, lâm, ngư nghiệp gắn với phát triển đô thị, công nghiệp chế biến và du lịch

(Hochiminhcity.gov.vn) - Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch TP.Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050,  TP.Hồ Chí Minh sẽ phát triển Nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, đóng vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của khu vực.

TP.Hồ Chí Minh phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

TP.Hồ Chí Minh phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng và phát triển nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, công nghiệp chế biến và du lịch. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 0,4%, trong đó giá trị sản xuất: nông nghiệp khoảng 66,7% (dịch vụ nông nghiệp khoảng 16%); lâm nghiệp khoảng 0,3%; thủy sản khoảng 33%. Giá trị sản xuất có ứng dụng công nghệ cao khoảng 75-85%; giá trị sản xuất đất canh tác khoảng 850-1.000 triệu đồng/ha; thu nhập người dân nông thôn so với năm 2020 tăng khoảng 2,5-3,0 lần.

Về phương hướng phát triển Nông nghiệp, Thành phố xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao sinh thái và hữu cơ theo định hướng nông nghiệp giá trị cao, trên cơ sở lai tạo, nhân giống cây trồng vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới với năng suất cao, thân thiện môi trường, nông nghiệp xanh và bền vững gắn với giảm thiểu phát thải các-bon, gắn với du lịch. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tây - Bắc, Tây - Nam và khu vực Nam Thành phố; tập trung vào các sản phẩm có chất lượng cao, có lợi thế;

Lâm nghiệp: bảo vệ và phát triển rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp gắn với dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng phòng hộ Cần Giờ khoảng 200ha;

Thủy sản: phát triển Trung tâm thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá. Phát triển diện tích tôm nước lợ khoảng 4.476ha; nuôi thủy sản trên biển khoảng 1.000ha; nuôi, nhân giống cá cảnh khoảng 100ha; xây dựng trung tâm giao dịch cá cảnh mới kết hợp hoạt động du lịch;

Diêm nghiệp: duy trì vùng sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao khoảng 1.080ha, bảo tồn làng nghề muối xã Lý Nhơn gắn với du lịch.

Việc bố trí và sắp xếp không gian các ngành trên địa bàn cụ thể như sau:

Khu vực nội thành và thành phố Thủ Đức: phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó quy hoạch khu đổi mới, sáng tạo, đô thị tri thức, khoa học, công nghệ tại Long Phước - Tam Đa, gắn với hoạt động du lịch, đô thị tri thức,... nâng cấp chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức thành trung tâm logistics nông nghiệp;

Khu vực các huyện Củ Chi, Hóc Môn: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch khu ven sông Sài Gòn; xây dựng chợ đầu mối thứ 4 tại huyện Hóc Môn;

Khu vực huyện Bình Chánh: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch; phát triển trung tâm logistics nông nghiệp tại chợ đầu mối Bình Điền (mở rộng về phía Nam và phát triển khu thương mại Bình Điền giai đoạn 2 hướng tới xây dựng sàn giao dịch hàng hóa nông sản);

Khu vực các huyện Nhà Bè, Cần Giờ: phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ nội địa, trên biển và sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao, phát triển các làng nghề gắn với các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, phát triển vùng nuôi chim yến tại một số phường, xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi trên địa bàn thành phố Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ.

Hà Trang

Từ khoá

Xuất bản thông tin